Chiều 13/6, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Lào Cai về tình hình tổ chức thực hiện và việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW và Kết luận số 82-KL/TW.
Dự hội nghị, phía Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban điều hành Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn cùng các thành viên trong đoàn công tác.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác, phía tỉnh Lào Cai có đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Kết luận 82-KL/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp do đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tại buổi làm việc đánh giá: Công tác sắp xếp, đổi mới các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30 và Kết luận số 82 của Bộ Chính trị rất cần thiết, phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước, nhằm quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên rừng, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Hết năm 2017, tỉnh Lào Cai đã hoàn thành sắp xếp, cổ phần hóa các công ty nông, lâm nghiệp theo đúng tiến độ và được Chính phủ tuyên dương là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước.
Triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh nghiên cứu, học tập, quán triệt các nội dung liên quan; chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các ngành liên quan cụ thể hóa nghị quyết bằng chương trình hành động, chỉ thị, đề án, kế hoạch thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đối với tiến trình cổ phần hóa và sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp và nông, lâm trường quốc doanh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Đồng thời, thể chế hóa xây dựng các chương trình đề án thực hiện nghị quyết, UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.
Trước thời điểm sắp xếp, đổi mới, tỉnh Lào Cai còn 4 công ty nông, lâm nghiệp nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, gồm: Công ty TNHH Một thành viên Chè Thanh Bình, Công ty TNHH Một thành viên Chè Phong Hải, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn. Tỉnh đã xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới cụ thể đối với Công ty TNHH Một thành viên Chè Thanh Bình và Công ty TNHH Một thành viên Chè Phong Hải chuyển thành công ty cổ phần Nhà nước không nắm giữ cổ phần; Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển công ty lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận làm rõ thêm những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 30 và Kết luận số 82 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh; phân tích cụ thể một số ưu điểm, tồn tại, hạn chế đối với các công ty nông, lâm nghiệp của tỉnh.
Để việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, Tỉnh ủy Lào Cai kiến nghị, đề xuất với Ban Cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, có cơ chế, chính sách đặc thù cho các công ty nông, lâm nghiệp, trong đó hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật… để quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hiện có; xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho tỉnh với 70% kinh phí để thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo Quyết định 32/QĐ-TTg ngày 7/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ (khoảng 157,8 tỷ đồng), bởi Lào Cai là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, khả năng bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương còn hạn chế.
Kiến nghị với Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ chế, tạo điều kiện để các công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp được Nhà nước giao quản lý nhiều diện tích tự nhiên tham gia thị trường bán tín chỉ các-bon, được trả phí hấp thụ, lưu trữ các-bon từ rừng.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá: Nghị quyết số 30 rất quan trọng, xác định chi tiết, cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp… Tỉnh ủy Lào Cai đã tích cực triển khai thực hiện bài bản từ khâu quán triệt nội dung nghị quyết đến lập kế hoạch, xây dựng các đề án, tổ chức thực hiện…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng việc sắp xếp, đổi mới phải đảm bảo hiệu quả, cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình công ty lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cho phù hợp để khai thác lợi thế và phát triển. Trên thực tế đang xảy ra tình trạng chồng lấn về đất rừng giữa các công ty lâm nghiệp với người dân, muốn giải quyết tận gốc vấn đề phải tiến hành đo đạc, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về đất đai. Đồng chí đề nghị bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét nội dung này để địa phương có cơ sở giải quyết dứt điểm, tạo thuận lợi trong công tác quản lý.
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban điều hành Ban Kinh tế Trung ương cho rằng buổi làm việc với Tỉnh ủy Lào Cai đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp đoàn công tác có những đánh giá xác thực vào báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, những ý kiến trao đổi, thảo luận của tỉnh Lào Cai đã cung cấp thêm những kiến nghị căn cơ nhất, đổi mới nhất, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong quá trình thực hiện nghị quyết. Đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiên cứu, chỉ đạo có những giải pháp khắc phục, nhằm phát huy vai trò, tầm quan trọng của các công ty lâm nghiệp những năm tới, góp phần giữ rừng ở những nơi có tầm quan trọng chiến lược về quốc phòng – an ninh.
Trước đó, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên và Công ty Cổ phần Chè Phong Hải.