Từ ngày 14 – 16/6, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II, năm 2024 nhằm tôn vinh, động viên người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, biển đảo. Tỉnh Lào Cai có 7 người có uy tín tiêu biểu được tôn vinh.
Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II, năm 2024 được Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức tại Hà Nội với tổng số 200 đại biểu người có uy tín tham dự, thuộc 47 dân tộc thiểu số, đến từ 42 tỉnh, thành phố biên giới, biển đảo trên cả nước.
Trong đó, đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai có 7 người có uy tín tiêu biểu gồm các ông: Giàng Seo Sừ, dân tộc Mông, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai; Thền Văn Khương, dân tộc Nùng, thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai; Vàng A Cương, dân tộc Giáy, xã Bản Qua, huyện Bát Xát; Sào Đo Giá, dân tộc Hà Nhì, xã A Lù, huyện Bát Xát; Chu Che Xá, dân tộc Hà Nhì, xã Y Tý, huyện Bát Xát; Lồ Seo Páo, dân tộc Mông, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương; Lồ Củi Thàng, dân tộc Bố Y, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương.
Đây đều là những người có uy tín đang giữ các công việc trưởng thôn, bí thư chi bộ, công an viên bán chuyên trách của các địa phương, có nhiều cống hiến và thành tích trên các lĩnh vực, đặc biệt là bảo vệ đường biên, mốc giới của Tổ quốc, giúp Nhân dân khu vực biên giới phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Tại chương trình, các đại biểu đã tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như được tiếp kiến Chủ tịch nước Tô Lâm và được Chủ tịch nước tặng quà; tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (K9); tham dự chương trình truyền hình trực tiếp Lễ tôn vinh “Điểm tựa của bản làng” trên kênh truyền hình VTV1 và được trao giấy chứng nhận, biểu trưng của chương trình.
Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II, năm 2024 là nguồn động viên to lớn, giúp các đại biểu người có uy tín có thêm động lực để tiếp tục cố gắng cống hiến cho cộng đồng, là điểm tựa gắn kết giữa các dân tộc, là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam nơi biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.