Trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, nhắc đến cây riềng, người ta thường nghĩ đến việc sử dụng củ riềng để làm gia vị trong một số món ăn dân dã, quen thuộc không thể thiếu, như món thịt nướng riềng mẻ, riềng thái lát kho cá… nhưng chắc hẳn không nhiều người biết đến hoa của cây riềng cũng được người dân một số vùng quê ở Lào Cai dùng chế biến thành những món ẩm thực ngon lạ.
Cây riềng có tên khoa học là cao lương khương, phong khương, thuộc họ gừng, dễ sinh trưởng và phát triển, không cần chăm sóc vẫn mọc thành từng bụi trong vườn nhà, trên đồi rừng ở nhiều vùng quê. Theo nhiều tài liệu ghi chép, riềng không chỉ là gia vị thông dụng trong bữa cơm gia đình, còn là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền hàng trăm năm trước. Riềng có tác dụng làm thuốc kích thích tiêu hóa, ăn ngon cơm, chữa đầy hơi, đau bụng, đau dạ dày, sốt rét, sốt nóng, trúng hàn…
Ngoài củ riềng, hoa, lá, quả riềng đều có thể sử dụng trong ẩm thực. Đơn cử như đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Lào Cai thường dùng lá riềng giã lấy nước cốt đem ngâm gạo nếp để đồ xôi, tạo màu xanh cho xôi trong món xôi ngũ sắc. Hoặc nhiều gia đình dùng lá riềng giã ngâm với gạo nếp để gói bánh chưng, vừa tạo màu xanh tự nhiên cho bánh thêm đẹp mắt, vừa làm cho bánh chưng có hương thơm độc đáo.
Đến các chợ phiên vùng cao, nếu vào đúng mùa sẽ thấy bà con bày bán những bó mầm riềng màu phớt hồng – có nơi còn gọi là măng riềng. Mầm riềng thường được dùng làm các món nộm, xào thịt, kho cá hoặc dập xào trứng, ăn rất ngon.
Hoa riềng – người Tày ở Lào Cai gọi là “boóc khá” – thường nở vào độ tháng Tư, tháng Năm hằng năm. Hoa riềng mọc thành từng chùm, khi bung nở hoa có màu trắng ngà.
Để chế biến món ăn, người dân vùng cao Lào Cai thường chọn lúc hoa riềng chưa nở hết mà chỉ lác đác nở vài bông trên chùm. Sau khi cắt cả chùm hoa riềng đem về rửa sạch, ngắt hoa và nụ riềng rời khỏi chùm, bỏ cuống… Sau đó, phơi hoa riềng cho hơi héo để ngót bớt nước, khi ngâm mắm, nước trong hoa riềng không bị thôi ra, sẽ để được lâu hơn.
Cho hoa riềng đã phơi héo vào lọ thủy tinh sạch, bóc thêm một vài tép tỏi khô. Nếu ăn được cay thì có thể cho thêm vài quả ớt tươi để cả quả hoặc thái lát bỏ hạt… Dùng nước mắm cốt có độ đạm cao đổ ngập cả hoa riềng và tỏi, ớt. Đậy kín nắp lọ để qua một ngày một đêm rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh và dùng dần.
Món mắm ngâm hoa riềng tỏi ớt dùng chấm thịt lợn, thịt vịt hấp hoặc ăn hoa riềng sau khi ngâm mắm tỏi kèm với một số món khác cũng rất hấp dẫn. Hoa riềng ngâm mắm có vị cay nhẹ và rất thơm, làm tăng hương vị cho các món ẩm thực trong bữa ăn của nhiều gia đình.
Ngoài món hoa riềng ngâm mắm tỏi, một số vùng quê còn dùng hoa riềng muối chung với cà pháo, hoa riềng xào thịt lợn ba chỉ, xào lòng gà… cũng tạo nên các món ăn dân dã, ngon miệng, làm phong phú văn hóa ẩm thực của người Việt.