Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa ban hành có nội dung: Xác định ưu tiên đầu tư đồng bộ và nâng cao chất lượng các khu du lịch quốc gia đã được công nhận; đồng thời quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư cơ sở vật chất để thúc đẩy các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia.
Khách du lịch đến tham quan, ngắm cảnh, chiêm bái tại khu du lịch tâm linh, đường lên đỉnh Fansipan.
Trong quy hoạch mới ban hành đã nêu rõ danh sách các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia gồm 61 địa điểm phân bố tại 6 vùng du lịch.
Đây là định hướng quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới. Bởi khu du lịch quốc gia là hạt nhân quan trọng để thu hút đầu tư theo hướng tập trung, hiệu quả, tạo động lực, điểm nhấn cho các vùng, khu vực phát triển du lịch; có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho các điểm đến.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay có 9 khu vực tiềm năng được công nhận là khu du lịch quốc gia. Đó là Khu du lịch quốc gia Tuyền Lâm (Lâm Đồng) năm 2017; Khu du lịch quốc gia Sa Pa (Lào Cai) năm 2017; Khu du lịch quốc gia Núi Sam (An Giang) năm 2018; Khu du lịch quốc gia Trà Cổ, Móng Cái (Quảng Ninh) năm 2019; Khu du lịch quốc gia Mũi Né (Bình Thuận) năm 2020; Khu du lịch quốc gia Đền Hùng, Việt Trì (Phú Thọ) năm 2020; Khu du lịch quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) năm 2022; Khu du lịch quốc gia Mộc Châu (Sơn La) năm 2024 và Khu du lịch quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) năm 2024.
Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí quản lý môi trường văn hóa ở các khu du lịch quốc gia nhằm góp phần xây dựng môi trường du lịch văn minh, văn hóa ở 9 khu du lịch quốc gia nói riêng và các điểm đến khác.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa ở khu du lịch quốc gia gồm 5 nhóm với gần 50 tiêu chí. Đó là các nhóm tiêu chí liên quan đến: Xây dựng thiết chế văn hóa và cảnh quan văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị phong tục, tập quán và các giá trị tài nguyên du lịch khác; xây dựng đạo đức lối sống quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch; phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa phục vụ du lịch; đặc thù riêng về phát triển sản phẩm, dịch vụ và hoạt động du lịch tại khu du lịch quốc gia. Các tiêu chí để đạt được danh hiệu khu du lịch quốc gia khá cao và khắt khe. Việc đảm bảo các tiêu chí môi trường văn hóa sẽ góp phần thu hút đông đảo du khách.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ: Môi trường văn hóa tốt giúp tạo ra trải nghiệm du lịch đặc sắc và không gian an toàn cho du khách, thúc đẩy hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương. Môi trường văn hóa hỗ trợ đáng kể cho đa dạng văn hóa, tôn trọng giữa các cộng đồng, tạo nên không gian du lịch thân thiện. Bên cạnh đó, du lịch có thể tạo ra cơ hội tốt để phát triển kinh tế, xã hội cho cộng đồng địa phương; nâng cao nhận thức cho du khách về bảo vệ môi trường và thúc đẩy các hành vi du lịch bền vững. Môi trường văn hóa tốt có thể giúp kích thích doanh nghiệp địa phương, tăng thu nhập cho cộng đồng, đảm bảo các di tích lịch sử, văn hóa được bảo tồn và quản lý bền vững…