Trong thời đại 4.0, công nghệ thông tin phát triển, mạng internet phủ sóng mọi nơi, người cao tuổi cũng làm quen và sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh. Nhờ internet và mạng xã hội, người cao tuổi được kết nối gần hơn, thường xuyên hơn với con, cháu, giao lưu bạn bè, tìm kiếm thông tin chăm sóc sức khỏe…
Khoảng 4 năm nay, bà Nguyễn Thị Nghĩ ở phường Lào Cai (thành phố Lào Cai) đã quen với việc sử dụng điện thoại thông minh trong cuộc sống hằng ngày. Bà Nghĩ bộc bạch: Ban đầu, tôi không muốn dùng điện thoại thông minh vì sợ mắt mờ, tay chân chậm, trí nhớ cũng kém. Đến khi được sự động viên và hướng dẫn của cháu ngoại, tôi làm quen và giờ đã sử dụng thành thạo.
Từ khi có điện thoại thông minh, bà Nghĩ thường “lên mạng” tìm hiểu kiến thức về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người già, đồng thời kết nối trò chuyện với con, cháu đang làm ăn ở xa và tạo nhóm trò chuyện với người cao tuổi trong thành phố. Đặc biệt, vốn là người yêu văn nghệ nên bà thường sử dụng điện thoại thông minh để tập hát. “Âm nhạc như một cách giúp tôi giải trí trong những lúc rảnh rỗi và sống vui vẻ, khỏe mạnh”, bà Nghĩ bày tỏ.
Còn bà Trần Thị Hòa năm nay gần 80 tuổi, ở xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai) tâm sự: Từ ngày tôi nghỉ hưu đến nay đã hơn chục năm, tôi ít có điều kiện gặp gỡ đồng nghiệp cũ. Nhưng 2 năm nay, con trai mua tặng tôi điện thoại có kết nối mạng, lập cho tôi trang facebook, zalo nên tôi có cơ hội được kết nối, trò chuyện lại với đồng nghiệp ngày xưa.
Thấy cuộc trò chuyện của chúng tôi rôm rả, chồng bà là ông Ma Công Thắng, năm nay ngoài 80 tuổi tham gia: Các con mua cho vợ chồng tôi mỗi người một cái điện thoại có kết nối internet, ngày nào tôi cũng vào mạng đọc tin tức thời sự. Cái hay của internet là một sự kiện diễn ra nhưng có nhiều báo đưa tin, mỗi báo khai thác một khía cạnh, giúp những người ở nhà như chúng tôi cũng biết rõ sự việc. Tuy nhiên, cần tỉnh táo để lựa chọn thông tin mà đọc.
Khi thấy chúng tôi trao đổi về việc người cao tuổi truy cập internet, con trai của ông bà là anh Ma Công Chung cũng góp chuyện: Trước đây, nhiều người cho rằng chỉ giới trẻ mới thích sử dụng internet, còn các cụ không có nhu cầu này, vì thế chỉ cần sắm cho các cụ điện thoại “cục gạch” để nghe gọi. Đến một hôm, tôi vô tình đọc được bài báo nói về nỗi cô đơn của người già trong thế giới hiện đại thì tôi mới hiểu, người già cũng có nhu cầu tìm hiểu thông tin, xem các chương trình giải trí, kết nối với người thân, bạn bè thông qua smartphone… để thêm vui vẻ.
Không chỉ vào internet và mạng xã hội đọc tin tức hoặc xem các chương trình giải trí mà bà Đỗ Thị Lan, 60 tuổi ở phường Sa Pa (thị xã Sa Pa) còn sử dụng thành thạo zalo, facebook để bán các mặt hàng nông sản. Bà Lan cho biết, nhờ có facebook mà việc kinh doanh của bà thuận lợi hơn so với trước…
Những tiến bộ về công nghệ thông tin đang giúp người cao tuổi vượt qua nhiều trở ngại để kết nối nhiều hơn với bạn bè, người thân, giúp tâm trí luôn năng động trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, còn nhiều người cao tuổi có tâm lý e ngại hoặc khi tiếp cận và sử dụng điện thoại di động thông minh để truy cập Internet còn bỡ ngỡ, chậm chạp do tuổi cao, thị lực kém, tay không còn linh hoạt, tai nghe không còn rõ, khả năng nắm và trí nhớ cũng giảm…
Những năm qua, Hội Người cao tuổi tỉnh đẩy mạnh khuyến khích, động viên hội viên ở các cơ sở hội tích cực làm quen, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin. Việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh để truy cập mạng xã hội đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người cao tuổi, giúp họ nhanh chóng bắt nhịp với xu thế của thời đại 4.0 và hòa nhập với giới trẻ.
Đến nay, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ về số người cao tuổi sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh, nhưng chắc chắn việc làm quen và sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh đã trở thành xu thế đối với người cao tuổi. Họ không chỉ sử dụng để đọc báo, tra cứu các thông tin cần thiết, xem các chương trình vui chơi, giải trí, thể dục thể thao… mà nhiều người còn sử dụng mạng xã hội như zalo, facebook… để liên lạc với người thân, giao tiếp bạn bè hoặc bán hàng…
Những tiện ích mà thiết bị công nghệ thông minh và mạng xã hội mang lại cho người cao tuổi là rất lớn. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích đó, khi truy cập mạng xã hội cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Người cao tuổi khi tiếp cận mạng xã hội cần cẩn trọng trước thông tin trái chiều hoặc chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu, đồng thời chỉ nên sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh khi cần thiết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân.