Tại các buổi lấy ý kiến góp ý của công đoàn về Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), đại diện công đoàn cơ sở có góp ý về việc đảm bảo công bằng tỷ lệ hưởng lương hưu giữa nam và nữ khi đề xuất giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm. Đồng thời, các cấp công đoàn cũng kiến nghị hoán đổi năm đóng BHXH để nghỉ hưu sớm.
Giảm thời gian đóng BHXH của nam khi hưởng 45%
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch Công đoàn Bảo hiểm xã hội quận Long Biên (Liên đoàn lao động – LĐLĐ quận Long Biên) khi góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cho rằng: Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính mức lương hưu hàng tháng, theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 64 dự thảo thì tuổi nghỉ hưu đối với nam cao hơn nữ 2 tuổi (nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi).
Lao động nam trong lĩnh vực may đảm nhận công việc nặng nhọc.
Trong khi đó, tại Khoản 1 Điều 66 dự thảo quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính mức lương hưu hàng tháng của nam lại cao hơn của nữ 5 năm (20 năm đối với lao động nam, 15 năm đối với lao động nữ) là chưa hợp lý, chưa đảm bảo công bằng cho lao động nam. Vì vậy, đề nghị xem xét sửa theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội của nam là 17 hoặc 18 năm để đảm bảo hợp lý.
Còn ông Vũ Hoàng Hồng, Trung tâm Quản lý buồng không lưu (Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, LĐLĐ quận Long Biên) cho rằng: Hướng tới nam 62 tuổi và nữ 60 tuổi nghỉ hưu, nên điều chỉnh mức hưởng lao động nam đóng 17 năm, nữ đóng 15 năm thì được hưởng 45% lương; nam đóng 32 năm thì hưởng đủ 75% lương. Điều này hướng tới công bằng và bình đẳng giới giữa nam và nữ.
Kiến nghị hoán đổi năm đóng BHXH để nghỉ hưu sớm
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của cán bộ công đoàn và người lao động kiến nghị hoán đổi số năm đóng BHXH thừa để được nghỉ hưu sớm.
Theo quy định hiện hành, lao động nam muốn hưởng lương hưu tối đa 75% phải đóng đủ 35 năm BHXH, nữ đủ 30 năm. Nếu nghỉ hưu sớm sẽ bị khấu trừ 2%/năm. Còn nếu đóng thừa thời gian, người lao động (NLĐ) nhận khoản trợ cấp bằng 0,5 lần bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm thừa.
Đi làm từ năm 20 tuổi, đến nay anh Nguyễn Mạnh Hùng., công nhân tại Khu công nghiệp Nội Bài (Hà Nội), đã tham gia BHXH 27 năm. Nếu theo đúng lộ trình tuổi nghỉ hưu, anh Hùng sẽ phải tiếp tục làm việc thêm 14 năm nữa. Anh chia sẻ: “Từ 45 tuổi trở đi, sức khỏe của NLĐ giảm dần, độ linh hoạt và khả năng hoàn thành công việc, sản lượng sản phẩm được doanh nghiệp giao rất hạn chế. Với NLĐ ở khu vực sản xuất, để đóng đến 35 năm thì cũng đã sức cùng lực kiệt, huống chi phải làm tiếp đến 62 tuổi mới được về hưu. Khi NLĐ đủ 35 năm đóng BHXH, không còn thiết tha với công việc thì cũng nên có chính sách tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH sớm được về hưu, cũng là để tạo cơ hội cho người trẻ có việc làm”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh cho rằng: Về độ tuổi nghỉ hưu, hiện nay, Luật quy định tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Tuy nhiên, theo nhận định của người lao động và doanh nghiệp thì độ tuổi này chỉ phù hợp với người lao động làm việc gián tiếp còn lao động trực tiếp đa phần phải nghỉ trước tuổi trừ % do sức khỏe không đảm bảo để làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, như vậy sẽ rất thiệt thòi cho người lao động. Đề nghị Quốc hội nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo 2 đối tượng trực tiếp và gián tiếp cho phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc, đưa ra đề xuất cho NLĐ được hoán đổi năm đóng BHXH thừa cho số năm nghỉ hưu còn thiếu. Đây là lần thứ ba trong vòng 1 năm qua, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc đề cập vấn đề này.
“Nhiều công nhân lao động đi làm khi tuổi còn rất trẻ, hiện nay đã thừa năm đóng BHXH để được hưởng 75%, nhưng lại thiếu tuổi nghỉ hưu nên khi về hưu sớm họ phải nhận mức lương hưu thấp. Nhiều năm nay, NLĐ đã gửi gắm ý kiến này với tha thiết nhất là được bù đắp năm đóng BHXH cho số năm thiếu tuổi nghỉ hưu”.
Theo bà Hà, ban soạn thảo luật cần tính toán kỹ để NLĐ không thiệt thòi. Nếu được thông qua, số người rút BHXH một lần cũng sẽ giảm.