Chính quyền thành phố Jakarta của Indonesia đã khởi động việc xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu tái chế từ rác thải (RDF) để giải quyết vấn đề rác thải ngày càng tăng. Cơ sở mới được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những nhà máy sản xuất nhiên liệu tái chế từ rác thải lớn nhất trên thế giới.
Nhà máy sản xuất nhiên liệu tái chế từ rác thải dự kiến được xây dựng trên khu đất rộng 7,8ha ở Rorotan, Bắc Jakarta. Chính quyền Jakarta đã phân bổ khoảng 1.200 tỷ Rp (74,89 triệu USD) trong ngân sách khu vực (APBD) năm 2024 cho dự án, dự kiến hoàn thành vào tháng 12 tới và sau đó đi vào hoạt động vào đầu năm sau. Khi cơ sở này đi vào hoạt động đầy đủ, có thể xử lý 2.500 tấn chất thải mỗi ngày. Trong khi đó, thành phố hơn 10 triệu dân thải ra gần 8.000 tấn rác thải mỗi ngày, phần lớn được đổ vào bãi rác Bantar Gebang ở vùng lân cận Bekasi, Tây Java.
Nhà máy sản xuất nhiên liệu tái chế từ rác thải hoạt động bằng cách tách, băm nhỏ và xử lý chất thải thành các viên nhỏ để sử dụng làm nhiên liệu thay thế trong các nhà máy xi măng hoặc nhà máy điện đốt than. Nhà máy có khả năng tái chế 35-40% chất thải thành nhiên liệu thay thế, điều đó có nghĩa là cơ sở này có thể sản xuất hết công suất khoảng 875 tấn nhiên liệu thay thế hàng ngày.
Trong buổi lễ khởi công, quyền Thống đốc Jakarta Heru Budi Hartono nhấn mạnh cơ sở xử lý chất thải mới sẽ trở thành một trong những nhà máy sản xuất nhiên liệu tái chế từ rác thải lớn nhất trên thế giới. Đây là cơ sở sản xuất nhiên liệu tái chế từ rác thải thứ hai do chính quyền Jakarta xây dựng. Cơ sở đầu tiên được xây dựng tại bãi rác Bantar Gebang vào năm 2022 và bắt đầu hoạt động vào năm sau đó, có thể xử lý khoảng 2.000 tấn rác thải mỗi ngày.
Jakarta đã dựa vào bãi rác Bantar Gebang từ năm 1986 và lượng rác thải mà thủ đô đổ vào khu vực này ngày càng tăng theo thời gian. Năm ngoái, Jakarta thải khoảng 7.800 tấn rác thải mỗi ngày tại Bantar Gebang, tăng 40% so với năm 2015. Thành phố đặt mục tiêu cắt giảm 20% con số này trong tương lai gần.
Việc xây dựng cơ sở xử lý chất thải Rorotan diễn ra chưa đầy một năm sau khi thành phố hủy bỏ kế hoạch xây dựng lò đốt rác thải thành năng lượng (WTE) ở Sunter, Bắc Jakarta. Dự án gặp nhiều khó khăn do các vấn đề về thủ tục giấy tờ và tài chính. Nhiều nhà quan sát cho rằng, nhà máy đốt rác thải thành năng lượng sẽ phù hợp hơn cho việc quản lý chất thải của thành phố, thay vì nhiên liệu tái chế từ rác thải vì sẽ trực tiếp chuyển đổi chất thải thành năng lượng và có rất ít sản phẩm phụ. Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan Môi trường Jakarta, Asep Kuswanto, lập luận rằng ngân sách xây dựng và chi phí hoạt động của nhà máy đốt rác thải thành năng lượng là rất cao, trong khi tái chế rác thải thành nhiên liệu lại rẻ hơn và có thể trở thành một nguồn doanh thu khác cho thành phố khi bán nhiên liệu cho các ngành công nghiệp.