Sáng 15/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Các đồng chí: Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phí Công Hoan, Giám đốc Sở Xây dựng đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh và đại biểu Quốc hội tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 đã khắc phục được một số tồn tại, bất cập trước đó; góp phần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, đầy đủ và hiệu quả của hệ thống pháp luật về quy hoạch. Các quy định pháp luật đã phát huy tác dụng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn, tạo lập môi trường sống, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện đã phát sinh những hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Từ thực tế nêu trên, với yêu cầu phát triển đô thị và nông thôn trong giai đoạn mới cho thấy việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là rất cần thiết nhằm thể chế hóa định hướng lãnh đạo của Đảng, đồng thời thống nhất quy định pháp luật về quy hoạch tại khu vực đô thị và nông thôn trong một bộ luật, tạo thuận lợi trong tổ chức triển khai thực hiện và quản lý hiệu quả.
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế với 5 chương, 61 điều, cụ thể: Chương I: Quy định chung (15 điều), Chương II: Lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn (27 điều), Chương III: Tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn (9 điều), Chương IV: Nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn (7 điều), Chương V: Điều khoản thi hành (3 điều)
Tiếp đó, đại biểu đã đóng góp 9 ý kiến vào dự thảo luật. Các ý kiến cơ bản thống nhất với bố cục, nội dung chính và cho rằng dự thảo Luật đã giải quyết được một số vấn đề tồn tại trong giai đoạn trước đây, như đã quy định rõ ràng hơn về “khu chức năng”, “thời hạn hiệu lực”, “quy hoạch đô thị mới, “tài trợ lập quy hoạch”…
Đại biểu cũng đề xuất xem xét điều chỉnh, bổ sung một số nội dung thuộc các điều, như: Nghiên cứu phạm vi xác định đô thị chỉ gồm nội thành của thành phố, nội thị của thị xã và thị trấn (Khoản 1, Điều 2); làm rõ thêm việc lập quy hoạch phân khu cho các khu vực đô thị hiện hữu đã được đầu tư xây dựng đồng bộ về các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và công trình kiến trúc từ trước khi công nhận là đô thị loại loại II và đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương quy mô dân số đô thị loại II trở lên (Khoản 2, Điều 3), đồng thời đề xuất bổ sung nội dung theo ý “đối với các khu vực đô thị hiện hữu đã được đầu tư xây dựng đồng bộ về các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và công trình kiến trúc không yêu cầu bắt buộc phải lập quy hoạch phân khu”.
Đối với Điều 33, 34 của dự thảo, đại biểu đề nghị nghiên cứu theo hướng bỏ phần lấy ý kiến dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu bởi trong thực tế, ở bước này người dân tham gia ý kiến rất hạn chế.
Tại Điều 33, việc lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, chuyên gia được quy định ở cả bước lập quy hoạch và bước thẩm định quy hoạch, đề nghị nghiên cứu chỉ quy định trong bước lập quy hoạch, nhằm mục đích giảm bớt thủ tục, đẩy nhanh tiến độ trong công tác lập quy hoạch. Đại biểu cũng đề nghị rà soát lại các nội dung Điều 33, 34 đảm bảo thống nhất khi thực hiện. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, làm rõ sự cần thiết phải thành lập Hội đồng thẩm định (Điều 36)…
Các ý kiến góp ý của đại biểu tại hội nghị sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, tiếp tục nghiên cứu và có đề xuất điều chỉnh, bổ sung góp phần hoàn thiện dự thảo Luật để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới.