Ngày 8/5, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đã rút lại một chuyến hàng viện trợ vũ khí ngắn hạn cho Israel trước “quan ngại sâu sắc” về khả năng Israel tiến hành hoạt động quân sự quy mô lớn ở Rafah sẽ gây ra tổn thất đáng kể về sinh mạng dân thường.
Pháo tự hành M109 của quân đội Israel được triển khai gần thành phố miền Nam Sderot, dọc biên giới với Dải Gaza.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã xác nhận việc ngừng hỗ trợ an ninh cho Israel. Cũng theo ông Miller, hiện Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang xem xét việc thực hiện các chuyến hàng viện trợ khác cho Israel giữa lúc tình hình ở Rafah có nhiều biến động. “Chúng tôi rất lo ngại về nguy cơ bùng phát chiến dịch quân sự ở Rafah. Chúng tôi lo ngại về những tác động của kịch bản này đối với dân thường…” – ông Miller nói.
Thông tin trên được ông Miller đưa ra chỉ vài ngày sau khi một số hãng truyền thông Mỹ đưa tin về việc Washington quyết định ngừng một số lô vũ khí viện trợ cho Israel. Trong đó, Axios là hãng truyền thông đầu tiên công bố thông tin này khi dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết lô hàng bị tạm dừng chuyển giao cho Israel gồm 1.800 quả bom nặng 2.000 pound (khoảng 900 kg) và 1.700 quả bom 500 pound (khoảng 225 kg).
Việc tấn công Rafah sẽ làm thay đổi quan điểm của Mỹ về viện trợ an ninh cho Israel?
Cũng trong ngày 8/5, Tổng thống Mỹ J.Biden đã lần đầu tiên công khai cảnh báo Israel về việc Washington sẽ ngừng cung cấp vũ khí nếu như các lực lượng Israel tiến hành một cuộc xâm lược lớn nhằm vào Rafah – thành phố tập trung đông người tị nạn ở phía Nam Gaza.
Năm 2016, Chính phủ Mỹ đã ký Bản ghi nhớ thứ ba có thời hạn 10 năm liên quan tới các hoạt động viện trợ quân sự và cung cấp các hệ thống tên lửa phòng thủ cho Israel. Mới tháng trước, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt 26 tỷ USD tài trợ bổ sung cho Israel.
Lý giải thêm về vấn đề này, ông J.Biden cho biết Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí phòng thủ cho Israel, bao gồm cả hệ thống phòng không “Vòm Sắt” của nước này. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không cung cấp vũ khí và đạn pháo cho Israel.
Theo CNN, việc Tổng thống J.Biden đề cập tới việc lấy vũ khí ra làm điều kiện đối với hành động của Israel đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc xung đột ở Gaza, đồng thời cho thấy sự nhìn nhận rõ ràng về vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 7/5, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết, quân đội Israel đã thiết lập được quyền kiểm soát hoạt động phía Gaza tại cửa khẩu Rafah sau chiến dịch phát động trong đêm chống lại Hamas.
Ngày 8/5, CNN công bố kết quả phân tích hình ảnh vệ tinh thu được từ Planet Labs cho thấy, cuộc tấn công của Israel vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza đã mở rộng từ việc không kích sang hoạt động trên bộ.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy thiệt hại ở Rafah, Gaza, ngày 7/5/2024.
Trước đó, phát biểu trong phiên điều trần về xuất ngân sách năm tài chính 2025 của Lầu Năm Góc tại Đồi Capitol, ngày 8/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định Lầu Năm Góc sẽ “tiếp tục thực hiện những biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng Israel có đủ phương tiện để tự vệ”. Tuy nhiên, ông Austin cũng lưu ý thêm rằng hiện Mỹ đang cân nhắc việc thực hiện một số chuyến hàng viện trợ an ninh ngắn hạn trước tình hình đang diễn ra hiện nay ở Rafah.
Theo ông Austin, chiến dịch tấn công lớn của Israel ở Rafah có thể thay đổi quan điểm của Mỹ về viện trợ an ninh cho Israel.