Tính tới thời điểm này, nhiều trường đại học, học viện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển kết hợp thí sinh có chứng chỉ IELTS hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác.
Theo đề án tuyển sinh năm 2024 được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố, ở phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng, trường cho phép thí sinh dùng điểm chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế quy đổi để thay thế cho điểm thi môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển. Điểm xét tuyển là tổng điểm hai môn thi tốt nghiệp cùng điểm quy đổi chứng chỉ và điểm ưu tiên (nếu có).
Mức điểm quy đổi cao nhất là 10, áp dụng đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS 7.5 – 9.0 hoặc TOEFL iBT từ 102 trở lên hoặc TOEIC (L&R/S/W) mức 965/190/190 trở lên.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Trường Đại học Giao thông Vận tải cũng cho phép thí sinh quy đổi chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh đại học năm 2024. Theo đó, thí sinh được tính 10 điểm nếu có chứng chỉ IELTS từ 7.0 trở lên. Thí sinh có IELTS 5.0 được quy đổi thành 8 điểm.
Bên cạnh các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC, TOEFL…, một số trường đại học cho phép thí sinh sử dụng kết quả bài thi VSTEP trong tuyển sinh đầu vào.
Theo Đề án tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh VSTEP hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có thể quy đổi thành điểm môn tiếng Anh khi xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT (tổ hợp A01, D01, D07) và cộng điểm thưởng khi xét tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng, xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy.
Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng kết quả bài thi VSTEP do nhà trường tổ chức để xét tuyển kết hợp với kết quả học tập THPT. Thí sinh phải đạt tối thiểu VSTEP bậc 3, điểm tối thiểu của từng kỹ năng là 6 điểm (trên thang 10).
Ngoài các chuẩn tiếng Anh đã được sử dụng phổ biến như IELTS và TOEFL, điểm thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế PEIC cũng đã được Bộ GDĐT công nhận được sử dụng cho các mục đích tuyển sinh và đào tạo ở bậc đại học.
Chứng chỉ PEIC được cấp bởi Tập đoàn Giáo dục Pearson – hội đồng khảo thí lớn nhất Vương quốc Anh. Đơn vị này đã được Bộ GDĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ PEIC tại Việt Nam vào tháng 3/2023.
Trước việc xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ ngày càng có xu hướng trở nên phổ biến, nhiều ý kiến lo ngại bất bình đẳng trong tuyển sinh.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nêu quan điểm, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học bên cạnh những ưu điểm cũng có hạn chế nhất định, có thể không công bằng.
Bởi các trường đại học phải dành chỉ tiêu để xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ nên chỉ tiêu cho các phương thức còn lại giảm xuống, khiến điểm chuẩn tăng lên. Với thí sinh ở vùng sâu, xa, không có điều kiện học ngoại ngữ, vô hình trung trở thành nhóm yếu thế khi trường đại học xét tuyển bằng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là xu hướng tất yếu, phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, các trường đại học cần tính toán dành một số lượng chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển này nhằm đảm bảo công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đối với các đối tượng học sinh ở các vùng miền khác nhau.
Theo quy định, từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các ngành/chương trình phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bộ GDĐT đặc biệt lưu ý, thí sinh đã hoàn thành việc dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm, nếu đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống để được xét tuyển theo quy định.