Dãy Hoàng Liên ngút ngàn, sừng sững, kéo dài từ huyện Bát Xát, qua thị xã Sa Pa tới huyện Văn Bàn và sang tỉnh Yên Bái, tạo thành hình cung phía Tây Bắc và phía Tây che tỉnh Lào Cai, đây cũng là biên giới phân định Lào Cai với Lai Châu và 1 phần tỉnh Yên Bái. Ở sườn phía Đông của dãy Hoàng Liên có những cánh đồng lúa mênh mang Võ Lao, Dương Quỳ, Thẳm Dương của huyện Văn Bàn – nơi có nhiều hộ đồng bào Tày sinh sống; bên kia sườn Tây là cánh đồng Mường Than “cò bay mỏi cánh”, nơi tập trung hộ đồng bào dân tộc Thái cư trú, lao động sản xuất. Gạch nối của hai miền đất này là một điểm võng hẹp trên dãy Hoàng Liên, chính là đèo Khau Co như chúng tôi đã nói ở bài viết trước, cả tiếng đồng bào Tày và tiếng đồng bào Thái thì “Khau Co” cùng có nghĩa là “cửa gió” hay cái miệng của gió.
Cho đến bây giờ, nhiều người ở Than Uyên vẫn tin rằng gió- nhất là gió hanh, khô nóng thổi từ Văn Bàn thuộc Lào Cai sang và ngược lại, nhiều người ở Văn Bàn lại tin rằng loại gió chướng được thổi từ bên kia sườn Tây của dãy Hoàng Liên Sơn. Buổi chúng tôi có mặt tại đỉnh Khau Co để thực hiện tuyến bài viết thì gặp trận gió thổi ràn rạt, tạt xéo những ngọn cây bên đường theo hướng từ phía Văn Bàn lại.
Tôi đem thắc mắc này nói chuyện với ông Phạm Đăng Hải, người có 36 năm công tác trong ngành kiểm lâm, sau đó là thêm 10 năm sinh sống, làm việc tại đỉnh đèo Khau Co và nhận được giải đáp khá thú vị. Theo ông Hải, hai vùng áp gặp nhau ở đỉnh núi tạo thành luồng gió thổi ngược trở lại, bởi thế mà khi thì gió thổi về hướng Tây, lúc gió thổi hướng Đông. Không khí phía Tây do ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam nên thường khô nóng hơn, điều này đã mang đến sự khắc nghiệt là sự cằn cỗi ở phía Tây dãy Hoàng Liên thuộc huyện Than Uyên.
“Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên”, miền đất nắng gió khắc nghiệt nhưng lại là miền quê có bề dày lịch sử truyền thống cách mạng kiên cường trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Hôm nay đây, Than Uyên đã vươn lên mạnh mẽ để duy trì ngôi vị phát triển hàng đầu của tỉnh Lai Châu.
Nắng tháng Tư phủ tràn khắp cánh đồng lúa Mường Than, 1 trong cánh 4 cánh đồng lớn nhất trời Tây Bắc, hay “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” (nghĩa là cánh đồng Mường Thanh thuộc tỉnh Điện Biên, Mường Lò thuộc Yên Bái, Mường Than của Than Uyên, Lai Châu và cánh đồng Mường Tấc thuộc tỉnh Sơn La).
Tham quan xã Mường Kim, từ Quốc lộ 279 nhìn qua bên kia cánh đồng là ngôi nhà sàn mái đỏ, sơn cũng mới, được dựng trên lưng đồi Noong Nanh, thôn Bản Lướt, xã Mường Kim, đó là di tích lịch sử mang dấu ấn của Đảng bộ tỉnh Lai Châu.
Theo đồng chí Lò Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Kim, trong cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Than Uyên phát hành năm 2024, ngày 2/12/1949 (dữ liệu mới nhất của tỉnh Lai Châu chính thức lựa chọn ngày này để thay thế cho những ngày khác đã công bố), Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu triệu tập Hội nghị thành lập Chi bộ Lai Châu với 18 đảng viên và chỉ định 3 đồng chí tham gia Chi ủy, sau này được chọn là Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Lai Châu. Sau khi tổ chức đảng được thành lập, cũng chính tại xã Mường Kim đã sản sinh ra nhiều cuộc vận động cách mạng, yêu nước, tiêu biểu là phong trào “Than Uyên quật khởi, gió nổi Than Uyên”. Chuẩn bị kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Lai Châu, địa phương đã đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô di tích lịch sử Bản Lướt nhằm giáo dục các thế hệ về truyền thống cách mạng của địa phương.
Tại xã Mường Kim, chúng tôi được cán bộ cơ sở đưa đi tham quan vị trí xây dựng kho gạo, điểm trung chuyển lương thực giữa các tỉnh Đông Bắc và Lào Cai với chiến trường Điện Biên Phủ. Như bài viết trước chúng tôi có đề cập đến câu chuyện của cụ Lương Thị Nhót, 89 tuổi, bản Chom, xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên, thời còn là gái son, cụ Nhót từng gánh gạo từ thị xã Lào Cai đi qua Sa Pa tới huyện Tam Đường rồi xuôi về huyện Than Uyên. Cụ Nhót có hơn 3 tháng đi gánh gạo với chặng đường như thế, thời điểm di chuyển chủ yếu là ban ban đêm để tránh máy bay địch phát hiện.
Theo bà Trần Anh Tân, Chủ tịch UBND xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, xã có gần 300 người tham gia dân công hỏa tuyến, chủ yếu gánh gạo từ xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên) và từ Văn Bàn vượt dãy núi Hoàng Liên để qua tập kết tại huyện Than Uyên. Đến nay, xã Võ Lao còn 16 cụ dân công hỏa tuyến trong số đó đang sinh sống tại địa bàn. Như lời cụ Lự Thị Choan, 92 tuổi và cụ Hoàng Thị Căn, 87 tuổi đều trú tại thôn Bất 2, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, những dân công hỏa tuyến năm xưa gánh gạo sang Than Uyên thì gánh gạo ngược dốc đã khó, sang sườn núi phía Tây còn khó hơn bởi xuống dốc chùng chân. Theo những gì cụ Choan, cụ Căn và cụ Nhót nhớ được thì kho lương ở tại điểm cuối của cánh đồng Mường Than, qua trung tâm huyện Than Uyên khoảng 2 giờ đi bộ, gần ngã ba có ngả đi huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) và một ngả tới huyện Quỳnh Nhai (Sơn La).
Từ dữ kiện của các dân công hỏa tuyến Lào Cai, chúng tôi thấy khá trùng khớp với di chỉ kho lương tại xã Mường Kim, nơi gần ngã ba Quốc lộ 279 từ Than Uyên đi Sơn La và Quốc lộ 32 từ Than Uyên đi Nghĩa Lộ. Kho gạo dã chiến ở xã Mường Kim nay không còn dấu tích rõ ràng, tại vị trí đó đã mọc lên một nhà hàng và những dãy nhà dân cao 2, 3 tầng khang trang, khu vực ngã ba Mường Kim gần đó đang hình thành vóc dáng của một tiểu đô thị sầm uất.
Chủ tịch UBND xã Mường Kim cho biết thêm, phát huy truyền thống cách mạng, đồng bào các dân tộc trên địa bàn đang hăng hái đi đầu trong phong trào thi đua xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Thế mạnh trên cánh đồng lớn được phát huy với việc tăng cường sản xuất hàng hóa với các giống lúa Séng cù, Hương thơm, nếp 97, Bắc thơm, Việt lai…
Từ xã Mường Kim, chúng tôi di chuyển bon bon khoảng hơn 10 km trên Quốc lộ 279 dọc theo cánh đồng Mường Than để tới xã Phúc Than. Đồng chí Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã chào đón chúng tôi bằng việc dẫn đi tham quan di tích đồn Tây ở thôn Nà Phái. Kiến trúc còn lại ngày nay là 4 bức tường thành có độ dày gần 1 m, xây kiên cố bằng đá tự nhiên, cao hơn 2 m. Công trình đồn Tây ở Nà Phái xây vuông vắn, mỗi mặt dài khoảng 150 m, được bố trí 12 lỗ châu mai mỗi hướng, tổng là 48 lỗ châu mai.
Theo tài liệu lịch sử, quân Pháp bố trí mỗi lỗ châu mai có 2 lính khố dõng phụ trách hỏa công với súng đại liên, trung liên. Bên trong di tích ngày nay được người dân canh tác, trồng ngô và rau, màu xen lẫn phần móng, những khối bê tông lớn, kiến trúc của các phòng chức năng, khu phụ trợ của đồn Tây. Đồn Tây còn được gọi là “đồn Mẹ” bởi bộ máy lãnh đạo, quan ba, quan tư của Pháp tại Than Uyên đều trú ở đây, xung quanh có các đồn nhỏ bảo vệ vòng ngoài. “Đồn Mẹ” được xây kiên cố là vậy nhưng vẫn chịu khuất phục trước tinh thần dũng cảm, kiên quyết đấu tranh đánh thắng giặc Pháp của quân và dân ta.
“Đồn Mẹ” và huyện Than Uyên được giải phóng tháng 10/1952, trong đó có sự tham gia trực tiếp chiến đấu của các cựu chiến binh như cụ Lự Văn Lim, thôn Lủ 4, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn; cụ Nông Văn Đán, sinh năm 1929, xã Xuân Thượng và cụ Lô Văn Tính, thôn Mai Hạ, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên cùng nhiều cựu chiến binh khác của tỉnh Lào Cai thời bấy giờ. Sau khi thăm di tích “Đồn Mẹ”, chúng tôi còn tới thôn Nà Ít, xã Phúc Than cách đó không xa để tham quan di tích sân bay do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX.
Chủ tịch UBND xã Phúc Than, đồng chí Lê Văn Dũng sau khi dẫn chúng tôi tham quan các di tích lịch sử đã dành thời gian thông tin khái quát về đà đổi mới ở vùng quê cách mạng.
Là một phần của cánh đồng Mường Than nên thế mạnh vốn có của Phúc Than là cây lúa, sản lượng lương thực trung bình tính trên mỗi người dân luôn đứng đầu toàn huyện, khoảng 650 kg/năm. Cơ cấu kinh tế truyền thống của Phúc Than giờ đây đã thay đổi, mặt bằng của sân bay người Pháp xưa nay đã được thay thế bằng trường học, khu công nghiệp rộng hơn 100 ha, khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh Lai Châu đang chờ đón nhà đầu tư với mặt bằng sạch, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, được đầu tư bài bản. “Đặc sản gió” vốn là nỗi hãi hùng, ám ảnh giờ đây đang có cơ hội trở thành nguồn lực kinh tế quan trọng khi một tập đoàn kinh tế đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư hệ thống điện gió lớn nhất miền Bắc ngay tại xã Phúc Than.
Trở lại trung tâm Than Uyên tròn 20 năm ngày huyện tách từ Lào Cai về Lai Châu, tôi cảm nhận rõ được khí thế ngày mới, sức trẻ của vùng quê cách mạng. Đồng chí Bí thư Huyện ủy Lò Văn Hương cho biết, năm 2018, Than Uyên thoát khỏi danh sách huyện nghèo, địa phương đang phấn đấu là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lai Châu vào cuối năm 2025. Từ thế độc canh cây lúa, nay Than Uyên đã có thêm chanh leo, bí xanh, dưa các loại, dâu tây… trong khi vẫn tiếp tục duy trì gần 2 nghìn ha chè hàng hóa, hơn 1 nghìn ha cây cao su, 1.500 ha cây mắc ca, thủy sản có 977 lồng cá. Lợi thế mới của Than Uyên còn là có công trình thủy điện quốc gia Bản Chát, Huội Quảng và một số thủy điện hạng vừa.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy bảo Than Uyên từ lâu chỉ được biết tới với khí hậu, thời tiết khắc nghiệt thì nay du lịch đã được đánh thức với các địa danh hấp dẫn như khu di tích Bản Lướt, làng cá Thẳm Phé, vịnh Pá Khôm – Pha Mu, Khu đồi thông Than Uyên, Khu du lịch ven đồng lúa Love Hill.
Một ngày tham quan vịnh Pá Khôm – Pha Mu thực sự để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, đó hoàn toàn xứng đáng với mệnh danh “vịnh Hạ Long giữa lưng trời Tây Bắc” với hồ nước mênh mông, với những cột đá vươn ngang trời. Điểm du lịch vịnh Pá Khôm – Pha Mu tuy mới manh nha nhưng đã có những công trình, sản phẩm giàu tính khám phá như bơi thuyền, đu cáp qua hồ, du lịch ẩm thực.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Lò Văn Hương khẳng định rằng để du lịch Than Uyên thực sự cất cánh huyện đã lựa chọn một trong những giải pháp quan trọng là kết nối bằng các tua, tuyến du lịch tới vùng giáp ranh là huyện Văn Bàn và thị xã Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai.
Với tỉnh Lào Cai thì Than Uyên là miền đất ở bên kia dãy “núi Mẹ”, đồng bào các dân tộc huyện Than Uyên và đồng bào các dân tộc huyện Văn Bàn, thị xã Sa Pa cùng uống chung những mạch nguồn, cùng thở bầu không khí thổi đến từ dãy Hoàng Liên Sơn cao vút. Trong những năm tháng đất nước đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đồng bào các dân tộc của Lào Cai và huyện Than Uyên cùng quyết tâm giữ nền độc lập, hôm nay đây, hai miền đất lại cùng kết nối cho những dự án, chiến lược vì một Tây Bắc đoàn kết và phát triển.