Cấp bồn chứa nước góp phần giải quyết về nước sạch sinh hoạt cho người dân vùng cao huyện Bát Xát.
Giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai trên địa bàn tỉnh Lào Cai với 10 dự án thành phần 14 tiểu dự án và 36 nội dung bao trùm cơ bản các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục…
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã quyết liệt triển khai đồng bộ các dự án, Tiểu Dự án thành phần của Chương trình. Đến nay, hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều chuyển biến đáng kể.
Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương giao năm 2022 chuyển nguồn và năm 2023 là 1.183.235 triệu đồng, tỉnh Lào Cai đã huy động hơn 482.500 triệu đồng để thực hiện Chương trình MTQG 1719.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sau bốn năm triển khai Chương trình, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dan tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện; việc thực hiện an sinh, phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, giảm nghèo được chú trọng. Đến thời điểm hiện tại, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,8%; tỷ lệ hộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 97,7%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình đạt 98,3%, được nghe đài phát thanh đạt 99,6%; tỷ lệ thôn bản, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 98%; tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ (CLB) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng đạt 68%; tỷ lệ phòng học được xây dựng kiên cố đạt 81,7%; Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 4 tuổi, 5 tuổi đến trường đạt 99,7%; tỷ lệ người từ 15 đến 60 tuổi đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 94,7%; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 95,5%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,1%. Tỷ lệ phụ nữ sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự giúp đỡ của cán bộ y tế đỡ đạt 91%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) còn dưới 26%; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (Cân nặng/tuổi) còn dưới 15%.
Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được quan tâm. Đội ngũ cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng nâng lên cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Việc thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo lòng tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước.
Hết năm 2023 có 6 chỉ tiêu, mục tiêu thực hiện chương trình đạt và vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đề ra, cụ thể: Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; Tỷ lệ học đến trường (Mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT); Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng được hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng. Toàn tỉnh đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành tất cả các chỉ tiêu khi kết thúc Chương trình.
Chương trình MTQG 1719 làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai.
Trao đổi với chúng tôi về giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trong thời gian qua, ông Trịnh Xuân Trường – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Bên cạnh những cách làm hay, sáng tạo, riêng có phù hợp với thực tiễn của tỉnh, tỉnh Lào Cai đã tăng cường vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và của các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu tổng hợp các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần, các lĩnh vực thuộc chương trình ở các cấp, địa phương; Thực hiện lồng ghép nguồn vốn hiệu quả để thực hiện Chương trình, trong đó ngân sách nhà nước (NSTW, NS tỉnh, NS huyện) đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định; có giải pháp huy động các nguồn vốn khác và tăng cường huy động các nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, Nhân dân; Lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn vốn của Chương trình này với các chương trình, dự án khác trên địa bàn cho phù hợp để phát huy hiệu quả cao. Trong đó phải gắn với nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của từng địa bàn cấp huyện, cấp xã.
Và một giải pháp được đặc biệt được quan tâm triển khai thực hiện giúp đảm bảo hiệu quả của Chương trình đó là: “Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình, từ đó có những giải pháp xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc tại địa phương, cơ sở” – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh./.