Đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân. Ảnh minh họa
Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025. Theo kế hoạch được phê duyệt, đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tích cực, nỗ lực phối hợp cùng các địa phương, nhà trường để đưa nội dung này vào chương trình môn học, phù hợp với từng cấp học, góp phần tăng cường thực hành quyền ở trường học, ngăn ngừa bạo lực học đường và các tình trạng phân biệt đối xử, xâm hại nhân phẩm con người.
Ban hành khung nội dung giáo dục ở từng cấp học
Từ nhiều năm nay, nội dung về quyền con người đã được đưa vào chương trình giáo dục của một số môn học như: Đạo đức, Giáo dục công dân, thông qua các bài học thuộc mạch giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, các nội dung này chưa có tính hệ thống, xuyên suốt, chưa đầy đủ các giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực. Bên cạnh đó, các tài liệu và học liệu giảng dạy, học tập về quyền con người ở các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là tài liệu hướng dẫn lồng ghép còn thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Cuối năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khung nội dung giáo dục, biên soạn tài liệu hướng dẫn, tập huấn về công tác giảng dạy quyền con người ở cấp Tiểu học, Trung học và Trung học Phổ thông.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh nhằm tạo môi trường học tập, rèn luyện giúp học sinh hài hòa về thể chất, tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin. Định hướng này phù hợp với việc xây dựng, lồng ghép giáo dục học sinh về quyền con người trong tất cả các môn học.
Đến nay, ở bậc Tiểu học, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã thực hiện đến khối lớp 4. Việc tổ chức giáo dục các nội dung về quyền trẻ em đã được nâng lên thành nội dung nói về quyền con người. Trong đó, các nội dung như tạo cơ hội bình đẳng về quyền được chăm sóc, được bảo vệ, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng, được tham gia của học sinh, đã được giáo viên chú trọng thực hiện thông qua nhiều giải pháp khác nhau nhằm giúp học sinh phát triển đầy đủ các năng lực phẩm chất.
Theo ông Thái Văn Tài, các nhà trường có thể xây dựng kế hoạch tổ chức nội dung giáo dục quyền con người trong kế hoạch giáo dục bằng các hình thức chủ động, linh hoạt như tổ chức theo giờ học riêng với từng chủ đề hoặc lồng ghép vào các hoạt động văn nghệ, câu lạc bộ sinh hoạt, hội thi…; tổ chức tích hợp, lồng ghép vào các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông.
Định hướng triển khai nội dung quyền con người trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục bậc Trung học, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Đỗ Đức Quế chia sẻ: Giáo dục quyền con người trong chương trình môn học và hoạt động giáo dục là trao quyền cho người học, để học sinh nhìn nhận những vấn đề xã hội đang phải đối mặt trong nhà trường và ngoài xã hội, có thái độ, cách ứng xử và cách giải quyết xung đột, mâu thuẫn trên cơ sở quyền con người. Giáo dục trao quyền là cách tốt nhất để giải quyết xung đột giữa học sinh với học sinh, học sinh với thầy, cô trong môi trường học đường, theo hướng hòa bình, thân thiện, hiểu biết, khoan dung, giảm thiểu các nguy cơ mâu thuẫn, xung đột.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nhấn mạnh đến việc đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện trong giáo dục quyền con người khi triển khai các hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục. Trong đó, quan tâm tới các yếu tố về đặc điểm tâm lý, giới tính, lứa tuổi, năng lực học tập, văn hóa vùng miền cũng như niềm tin tôn giáo của học sinh trong việc thiết kế, xây dựng các hoạt động học tập. Việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục Trung học phải phát huy tinh thần tự chủ, tích cực, sáng tạo của giáo viên; tránh rập khuôn, máy móc khi tích hợp, lồng ghép nội dung này vào các bài học cũng như các hoạt động giáo dục của môn học.
Nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh
Để đưa nội dung quyền con người vào chương trình môn học, hoạt động giáo dục đạt hiệu quả, đến nay, các cơ quan tham gia Đề án đã hoàn thành một khối lượng lớn nhiệm vụ thông qua nhiều nội dung hoạt động khác nhau. Hoạt động của Đề án đã được đưa vào báo cáo về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam, như: Báo cáo Rà soát Định kỳ phổ quát cũng như trong các cuộc đối thoại về quyền con người giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế và quốc gia khác, góp phần tích cực vào công tác đối thoại về quyền con người giữa Chính phủ Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế…
Các địa phương đã và đang tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán. Thông qua tập huấn, đội ngũ cán bộ, nhà giáo đã được truyền đạt nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân, quyền trẻ em, đặc biệt sự khác nhau giữa quyền con người và quyền công dân. Trong đó, nhấn mạnh các quyền của trẻ em như: quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được giáo dục, quyền được bày tỏ ý kiến. Các giáo viên cũng được tập huấn thực hành xây dựng bài dạy minh họa tích hợp về quyền con người cho học sinh các cấp.
Cô Trần Thị Xuân Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Mỹ Văn (Tam Nông, Phú Thọ) chia sẻ: Giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Việc này được các trường thực hiện lâu nay, thông qua việc lồng ghép nội dung phổ biến quy chế trường học; nhiệm vụ, quyền hạn của học sinh phổ thông trong nhà trường để các em có thể hiểu và tuân thủ trong quá trình học tập.
Tuy nhiên, theo cô Xuân Hà, việc nắm bắt kiến thức quyền con người của học sinh phổ thông còn hạn chế. Các em thiếu kỹ năng sử dụng quyền con người, pháp luật quyền con người vào thực tiễn cuộc sống. Do đó, khi gặp phải những tình huống xâm phạm, học sinh không có khả năng tự bảo vệ, lên tiếng để bảo vệ mình và người khác.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong quá trình triển khai, bên cạnh việc tích hợp, lồng ghép khéo léo nội dung quyền con người trong các giờ học, giáo viên song song thực hiện hành vi nêu gương để học sinh noi theo. Các hoạt động giáo dục được giáo viên lồng ghép câu hỏi gợi mở, giúp học sinh lĩnh hội kiến thức về quyền con người ở mức cơ bản.
Nhiều trường cũng tổ chức truyền thông các chuyên đề có liên quan cho học sinh học tập, tìm hiểu và trải nghiệm thông qua hoạt động sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ điểm; trong đó, chú trọng về quyền trẻ em, quyền được sống an toàn, giáo dục học sinh phòng, chống bạo lực gia đình, chống xâm hại…
Tại Bắc Giang, để đánh giá thực trạng công tác giảng dạy quyền con người trong chương trình giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tổ chức các cuộc sinh hoạt chuyên môn để nắm bắt những thuận lợi, khó khăn, từ đó đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả việc dạy học nội dung quyền con người.
Về lâu dài, việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân cần hướng tới hình thành văn hóa tôn trọng pháp luật cũng như giúp mỗi người dân Việt Nam nhận thức được quyền và trách nhiệm của bản thân đối với đất nước, xã hội.