Học sinh nhập viện do ngộ độc thuốc lá điện tử.
Tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử tăng gấp đôi
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020 về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội, riêng đối với phụ nữ và trẻ em gái, có tới 8% phụ nữ và trẻ em gái hút thuốc lá điện tử (TLĐT) trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ chỉ có 1,5%. Hút TLĐT ở trẻ em gái độ tuổi vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ gây ra các hệ lụy về sức khỏe sinh sản và chất lượng giống nòi.
BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, hầu như ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc TLĐT, trong đó có nhiều ca ngộ độc ma túy trộn trong TLĐT. Bệnh nhân hầu hết là thanh thiếu niên, nhập viện với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, loạn thần, hôn mê, tổn thương não và nhiều cơ quan khác, để lại di chứng nặng nề với sức khỏe.
Cho tới nay, ước tính có ít nhất khoảng 20.000 hóa chất hương liệu và các chất phụ gia khác trong TLĐT. Đây là các chất nguyên bản, đồng thời khi được nung nóng ở các nhiệt độ khác nhau mỗi chất sẽ tạo ra các sản phẩm cháy là các hóa chất khác nhau mà chúng ta không thể biết trước được.
Theo BS Nguyên, TLĐT còn được cho là nguyên nhân gây ra một căn bệnh cấp tính mới lần đầu tiên con người biết đến, đó là tổn thương phổi cấp do TLĐT. Thời gian qua có không ít thanh thiếu niên mắc bệnh này đến cấp cứu tại Trung tâm. Đáng lưu ý, rất nhiều hóa chất trong hơi TLĐT được chứng minh gây hại cho sức khỏe, gây ra các bệnh ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ho, hen, nhồi máu cơ tim, tổn thương mạch máu, giảm miễn dịch, gây tổn thương ADN là các phân tử di truyền, tăng nguy cơ đái đường, bệnh tim mạch… Các hóa chất này gây nên các bệnh còn phức tạp hơn nhiều so với thuốc lá thông thường và hầu hết là các căn bệnh mới. Hàm lượng nicotine trong TLĐT thậm chí cao gấp rất nhiều lần so với thuốc lá truyền thống, đây là nicotine dạng hóa chất tổng hợp, ở dạng bột nicotine hàm lượng gần như nguyên chất, được bào chế dưới dạng làm cho êm dịu khi hít, nên người dùng sẽ dễ dàng hít với lượng lớn, nhanh chóng bị ngộ độc và sớm nghiện.
Lưu tâm những dấu hiệu nhận biết sớm
BS Ngô Anh Vinh – Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương) khuyến cáo về những dấu hiệu sớm để nhận biết trẻ sử dụng TLĐT. Bao gồm: Trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, như có các biểu hiện hô hấp: ho, hụt hơi, khó thở vì trong TLĐT có một số chất có hại cho phổi; thay đổi hành vi, hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.
Do đó, theo BS Vinh, để hạn chế được tối đa vấn nạn sử dụng TLĐT hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên, vai trò của gia đình rất quan trọng. Bố mẹ cần chú ý dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt động cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt; phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.
Bên cạnh đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ vị thành niên không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội. Cụ thể là việc giáo dục học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng TLĐT ở học sinh: nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học. Sự phối hợp chặt chẽ giữa bố mẹ và nhà trường cùng với sự chung tay của xã hội, tình trạng học sinh hút TLĐT sẽ sớm được loại bỏ khỏi môi trường học đường. Qua đó, xây dựng một thế hệ trẻ vị thành niên khỏe mạnh và trở thành nhân tố tương lai góp phần cho sự phát triển của xã hội, đất nước.
Siết quản lý thuốc lá điện tử
Mới đây, tại cuộc họp họp báo cáo công tác quản lý nhà nước đối với thuốc lá mới, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị, ban soạn thảo rà soát lại các nội dung và hoàn thiện trước khi trình lên Chính phủ, dựa vào ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và chỉ đạo của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về việc triển khai hoạt động này; báo cáo về các nội dung về thực trạng sử dụng, tác hại của thuốc lá mới, các vấn đề sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên, vấn đề xử lý vi phạm, những khó khăn vướng mắc trong quản lý nhà nước và tổ chức triển khai thực hiện liên quan đến các bộ, ngành; hệ thống văn bản pháp luật cần phân tích rõ là Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã tính đến những đối tượng này chưa và có thể áp dụng cho các đối tượng này không. Phải có đủ căn cứ để trình ban hành Nghị quyết về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đề nghị ban soạn thảo cần xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan; Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thông tin liên quan đến tác hại của thuốc lá mới đối với thanh thiếu niên và học sinh, sinh viên. Từ đó Bộ Y tế có căn cứ sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Tháng 10/2023, Bộ Y tế đã nhận được Bản khuyến nghị của WHO về việc Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm này ở Việt Nam. Mới đây, WHO cũng đã gửi tới bản kiến nghị lần thứ 2, trong đó có cập nhật thêm một số thông tin về tác hại của các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới từ các nghiên cứu mới nhất. Cuối năm 2023, Bộ Y tế nhận được Thư từ Tổ chức Southeast Asia Tobacco Control Alliance (SEATCA – Liên minh kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á) đề gửi Phó Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tiêu đề: Ủng hộ chính sách cấm lưu hành TLĐT, thuốc lá nung nóng và shisha.