Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 12/4/1954, Đại đội 828 thuộc Tiểu đoàn 394 đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 50 của địch.
Về phía địch: Nava nghiên cứu định thực hiện kế hoạch “Côngđo”, một kế hoạch đánh tháo cho quân đội đồn trú tại Điện Biên Phủ chạy sang Lào.
Về phía ta: Tính đến ngày 11/4/1954, tức là bước vào đợt hai của chiến dịch hơn 10 ngày, bộ đội cao xạ và pháo binh đã bắn rơi, phá hỏng 49 máy bay các loại của địch. Nhằm cổ vũ các lực lượng trên toàn mặt trận tham gia bắn máy bay địch, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã chỉ đạo phát động phong trào thi đua bắn rơi chiếc máy bay thứ 50. Nhận rõ thời cơ lập công trong thời điểm quan trọng đã đến, đồng thời cũng là cơ hội xóa bỏ “thần tượng” của không quân Pháp, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 đã tập trung nghiên cứu tìm cách đánh “pháo đài bay” B-24. Quá trình nghiên cứu, bộ đội ta biết rằng đây là loại máy bay ném bom bốn động cơ, từ dưới đất nhìn lên, nếu tính cả đầu máy bay thì nhìn nó như có 5 cái đầu, nên bộ đội ta thường gọi nó là máy bay 5 đầu. Máy bay B-24 có sức chở khá lớn, thường bay bằng, ném bom ở độ cao 3.000m đến 3.500m. Tuy là loại máy bay có nhiều tính năng ưu việt so với các loại khác, nhưng B-24 không phải không có những nhược điểm cố hữu như đường bay ổn định, to xác, khi tác chiến độ cao bay thường trong cự ly bắn có hiệu quả của pháo cao xạ 37mm. Như vậy, nếu chọn đúng thời cơ, bắn chính xác, phát huy hết tính năng của vũ khí, nhất định sẽ tiêu diệt được tên địch “5 đầu” này.
Không phải chờ đợi lâu, trưa ngày 12/4/1954, Đại đội 828 thuộc Tiểu đoàn 394 đã phát hiện tên “5 đầu” B-24 mò vào khu vực trận địa. Hôm đó, Đại đội phó Nguyễn Đỗ Hưu trực chỉ huy, chờ cho chiếc máy bay hạ độ cao, vào đến tầm bắn có hiệu quả, anh dõng dạc ra lệnh cho các khẩu đội đồng loạt nổ súng. Chiếc “pháo đài bay” bị những loạt đạn cao xạ bắn tập trung cắt đứt khoang lái khỏi thân, đâm thẳng xuống cánh đồng Bản Kéo, mang theo cả những quả bom chưa kịp gây tội ác. Đây chính là chiếc máy bay thứ 50 bị bắn rơi và phá hủy tại Chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng là chiếc B-24 đầu tiên bị hạ trên chiến trường Việt Nam. Được chứng kiến tận mắt cảnh “pháo đài bay” bị pháo cao xạ quật cổ ngay tại mặt trận, bộ đội ta vô cùng hả dạ, anh em ở gần khu vực máy bay rơi đã ùa ra leo lên xác chiếc B-24 reo hò. Tin “pháo đài bay” bị bắn rơi đã nhanh chóng được truyền đi khắp các đơn vị, bộ đội ta hết sức vui mừng vì “thần tượng” của không quân Pháp đã hết thiêng trước lưới lửa phòng không của ta. Số bom này đã cung cấp cho các chiến sĩ công binh thuốc nổ đặt trong lòng đồi A1 vào đầu tháng 5. Cái khó của những viên phi công Pháp không chỉ ở riêng cái lưới lửa cao xạ mỗi ngày một tập trung hơn, mà còn ở vị trí đôi bên đối địch đã quá gần nhau.
Người Pháp đành phải chuyển sang thả dù lương thực, đạn dược vào ban đêm. Có đêm tập đoàn cứ điểm nhận được trên 200 tấn đồ tiếp tế. Tình hình lương thực của tập đoàn cứ điểm được cải thiện chút ít. Làm theo cách này những chiếc máy bay vận tải cũng được an toàn hơn. Nhưng việc thu lượm dù vẫn phải tiến hành ban ngày.
* Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ:
– Tại Liên khu 5, ta phục kích đánh địch trên đường số 19 từ Pleiku đi An Khê, diệt 22 xe địch.
(lược trích)
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010.
2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007.
3. Chiến dịch Điện Biên Phủ-Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.
4. Điện Biên Phủ-nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.
5. Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.
Theo Báo Quân đội nhân dân