Với gần 20 năm kinh nghiệm chăn nuôi gà, bà Lê Thị Hằng (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) cho biết: Thông thường, tháng 3, tháng 4, thời tiết chuyển mùa, độ ẩm cao, mưa – nắng thất thường làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, rất dễ phát sinh dịch bệnh. Do đó, ngoài tiêm đầy đủ các loại vắc-xin, gia đình tôi mua thuốc sát trùng để phun toàn bộ chuồng trại với tần suất 1 lần/tuần và thường xuyên quét dọn, thu gom chất thải, phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi.
Nhờ chủ động các biện pháp phòng bệnh, đàn gia cầm của gia đình bà Hằng phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Mỗi năm gia đình bà nuôi hơn 15 nghìn con gà, thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Huyện Bát Xát hơn 55 nghìn con gia súc và 290 nghìn con gia cầm. Với thực trạng chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán nên nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh luôn thường trực. Ông Nguyễn Quang Chiến, phụ trách Trạm Thú y huyện Bát Xát cho biết: Thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, lây lan, vì vậy người dân cần vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi thường xuyên, tiêm phòng đúng thời gian, đủ liều lượng các vắc-xin. Thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2024, trạm đã cấp hơn 1.000 lít hóa chất Benkocid cho các xã, thị trấn để khử trùng môi trường.
Gia đình bà Đặng Thị Nhâm là điển hình phát triển chăn nuôi ở xã Bản Vược (huyện Bát Xát). Hiện trang trại của gia đình bà nuôi 14 con trâu, bò; 60 con dê và 10 con lợn đen bản địa. Bà coi công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi là một trong những giải pháp tốt nhất để phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Bà Nhâm cho biết, chuồng trại chăn nuôi, đặc biệt là chất thải nếu không được thu gom, vệ sinh sạch sẽ, khử trùng thường xuyên sẽ rất dễ phát sinh mầm bệnh. Vì vậy, gia đình bà chủ động vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh, thu gom chất thải để xử lý, thường xuyên rắc vôi bột ở lối đi và xung quanh chuồng nuôi.
Nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, ngăn ngừa bệnh lây cho người, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường được tỉnh triển khai 2 đợt chính trong năm (đợt 1 vào tháng 3, đợt 2 vào tháng 11). Mỗi đợt tỉnh cấp khoảng 6.000 – 7.000 lít hóa chất cho các địa phương để phun khử trùng, tiêu độc môi trường tại các khu dân cư giáp đường biên giới, chợ buôn bán gia cầm, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, tại những ổ dịch cũ và những nơi có nguy cơ cao phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Cùng với đó, khuyến cáo các hộ chăn nuôi phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, nơi chăn thả và khu vực xung quanh 1 lần/tuần. Đối với phương tiện, dụng cụ chuyên chở động vật, sản phẩm động vật, thức ăn chăn nuôi, nơi nhốt động vật chờ giết mổ phải vệ sinh sạch sẽ, thu gom rác thải, phân để chôn hoặc đốt. Đối với các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán, điểm tập kết tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca sản xuất và cuối ngày sản xuất. Xử lý nước thải sau quá trình giết mổ bằng hóa chất trước khi thải ra ngoài môi trường.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi để người dân, nhất là các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện. Tổ chức tập huấn kỹ thuật phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi cho nhân viên thú y cấp xã và lực lượng trực tiếp tham gia. Đồng thời, phân công cán bộ thú y phụ trách địa bàn tăng cường giám sát, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật phun tiêu độc, khử trùng…
Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2024, các địa phương trong tỉnh đã sử dụng hơn 900 tấn vôi bột và hơn 6.600 lít hóa chất, huy động gần 12.000 lượt người tham gia khơi thông, nạo vét cống rãnh, quét dọn đường làng, ngõ xóm.