Ngày 9/4, Bộ Y tế Indonesia cho biết chưa có bất kỳ nguy cơ nào về trường hợp nhiễm virus B ở Indonesia. Xác nhận của Bộ Y tế Indonesia đưa ra sau khi các phương tiện truyền thông mới đây đưa tin một người đàn ông bị đàn khỉ tấn công và làm bị thương tại một Công viên Quốc gia Kam Shan, Hong Kong (Trung Quốc).
Theo Bộ Y tế Indonesia, đây là một căn bệnh lây từ động vật và xem xét tốc độ lây nhiễm sang người, cho đến nay, chỉ có một trường hợp được báo cáo. Căn bệnh này lây truyền do vết cắn do động vật gây ra chứ không phải từ người sang người nên bệnh sẽ không lây lan nhanh chóng.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Indonesia tiếp tục nhắc nhở người dân thận trọng, đặc biệt là những người đang đi nghỉ ở Hong Kong, Trung Quốc hoặc các khu vực có ca nhiễm. Người dân cũng được khuyến khích đến các cơ sở y tế nếu bị khỉ tấn công để được điều trị thích hợp. Nếu có bất kỳ vết thương nào do vết cắn hoặc vết trầy xước, hãy làm sạch ngay bằng nước và xà phòng.
Mới đây, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng vào khoảng cuối tháng 2, một người đàn ông 37 tuổi đã bị đàn khỉ tấn công và làm bị thương ở Công viên Kam Shan, Hong Kong. Vài tuần sau vụ việc xảy ra, người đàn ông, thường có tình trạng sức khỏe tốt, đột nhiên đổ bệnh và được đưa đến Bệnh viện Yan Chai vào ngày 21/3. Hiện tại, người đàn ông này đang trong tình trạng nguy kịch và đang được chăm sóc đặc biệt. Trung tâm Bảo vệ y tế Hong Kong phát hiện mẫu dịch não tủy của người đàn ông này cho kết quả dương tính với virus B.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), virus B rất hiếm gặp nhưng có thể dẫn đến tổn thương não, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Người có thể mắc bệnh nếu bị khỉ nhiễm bệnh cào hoặc cắn, tiếp xúc với mắt, mũi hoặc miệng của khỉ. Các triệu chứng của virus tương tự như cúm bao gồm sốt, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Các triệu chứng thường xuất hiện một tháng sau khi tiếp xúc với khỉ bị nhiễm bệnh, hoặc có thể xuất hiện sớm nhất là từ 3 đến 7 ngày.