Tại những huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, điều kiện chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Do vậy, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.
Cuối tháng 2/2024, Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai chính thức đưa hệ thống chụp CT Scanner 32 lát cắt vào hoạt động. Việc được đầu tư máy chụp cắt lớp vi tính hiện đại có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý phức tạp như tim mạch, lồng ngực, sọ não, mạch máu; các trường hợp cấp cứu như viêm ruột thừa, thủng tạng rỗng, tắc ruột… góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại đơn vị, giảm tải cho tuyến trên.
Thời gian qua, ký kết hợp tác y tế giữa UBND tỉnh Lào Cai và các bệnh viện tuyến trung ương cũng mở ra cơ hội cho những đơn vị y tế ở địa phương khó khăn như Si Ma Cai được thụ hưởng sự hỗ trợ về chuyên môn. Hiện tại, có 2 bác sỹ nội trú của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai. Các bác sỹ không chỉ trực tiếp khám bệnh cho người dân mà còn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật mới, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế huyện. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã ký kết hợp tác chuyển giao kỹ thuật trong khám, chữa bệnh với đơn vị.
Hiện nay, ở vùng cao Lào Cai vẫn còn tình trạng tảo hôn, sinh đẻ ở tuổi vị thành niên, hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, tỷ lệ suy sinh dưỡng, phụ nữ đẻ tại nhà vẫn cao, tỷ lệ phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được tầm soát các bệnh còn thấp. So với toàn quốc, chỉ số phát triển toàn diện con người Lào Cai còn thấp. Tuổi thọ bình quân chỉ đạt 70 tuổi (toàn quốc là 73 tuổi), thời gian sống khỏe mạnh là 63 năm. Tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em tuy đã giảm nhưng còn cao hơn so với trung bình chung toàn quốc và có sự chênh lệch giữa các huyện.
Đơn cử, tại huyện Bắc Hà, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh mới đạt 77,98%; tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế chỉ có 79%; tỷ lệ trẻ được sàng lọc sơ sinh mới đạt 50%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao 23,4%, đặc biệt là một số xã như Thải Giàng Phố (37,4%); Hoàng Thu Phố (31,7%)…
Đầu tháng 12/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định 4440, phân công Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng phụ trách chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa tại tỉnh Lào Cai. Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật y tế cho Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Lào Cai và các bệnh viện huyện của tỉnh Lào Cai, trong đó có nhiều kỹ thuật quan trọng như xử trí cấp cứu sản khoa và sơ sinh, phẫu thuật nội soi.
Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cũng phối hợp với Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Lào Cai tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số các huyện vùng cao, biên giới. Đã có hàng trăm phụ nữ và trẻ em ở Bắc Hà được khám sức khỏe và phát thuốc miễn phí.
Các chuyên gia y tế của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cũng hỗ trợ chuyên môn chuyên ngành phụ sản và đào tạo cập nhật những hướng dẫn mới về các phương pháp cầm máu trong xử lý băng huyết sau sinh tại 2 huyện Bắc Hà và Si Ma Cai. Những hoạt động hỗ trợ thiết thực của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã giúp các cơ sở y tế nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa, góp phần giảm tử vong, tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với sự hỗ trợ về chuyên môn của các bệnh viện tuyến trung ương, ngành y tế tỉnh duy trì tốt Đề án 1816 về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên cho tuyến dưới, đã và đang mang lại chuyển biến tích cực cho công tác y tế ở vùng cao.