Tại văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thực hiện một số nội dung:
UBND các huyện, thị xã, thành phố
Chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 đã được UBND tỉnh giao; phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đặt ra đến năm 2025. Đồng thời, tuyên truyền vận động Nhân dân về chủ trương, định hướng, chính sách, thị trường, liên kết để bà con yên tâm phát triển sản xuất.
Tổ chức rà soát toàn bộ quỹ đất hiện có trên địa bàn để quy hoạch vùng trồng, bố trí đất sản xuất chuối, dứa, cây ăn quả phù hợp theo định hướng chung của tỉnh và phải đảm bảo duy trì, mở rộng quy mô diện tích. Xây dựng kế hoạch luân chuyển diện tích đất trồng chuối lâu năm, đất trồng cây giá trị thấp sang trồng chuối, dứa, cây ăn quả theo hướng hàng hóa đảm bảo duy trì và mở rộng quy mô diện tích trên địa bàn.
Đối với các vùng trồng chuối bị bệnh vàng lá Panama gây hại nặng, xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác để cải tạo đất sạch nguồn bệnh; đồng thời chuyển đổi đất trồng cây giá trị thấp sang trồng chuối hàng hóa.
Đối với các vùng trồng cây ăn quả ôn đới, việc lựa chọn đất trồng phải tập trung, liền vùng, liền khoảnh và ưu tiên đất tốt, đất có tầng canh tác > 0,75 m, tơi xốp, nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, giữ ẩm và thoát nước tốt, độ dốc < 200; nếu độ dốc > 200 phải làm đường đồng mức, bố trí hàng trồng trên cùng đường đồng mức để hạn chế rửa trôi đất và thuận tiện chăm sóc.
Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất, trọng tâm lấy doanh nghiệp, chế biến, tiêu thụ làm đầu mối. Tạo cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, đầu mối thu mua trong và ngoài tỉnh liên kết với nhau hình thành liên kết vùng. Quan tâm chỉ đạo thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững; hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các xã lựa chọn và chứng nhận sản phẩm OCOP, chứng nhận mã số vùng trồng đối với sản phẩm chuối, dứa, mận, lê trên địa bàn tỉnh.
Lồng ghép, huy động các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để tập trung đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Tập trung nguồn lực nhằm xây dựng ổn định và nâng cao chất lượng vùng cây ăn quả ôn đới gắn với sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông nghiệp. Tăng cường quảng bá phát triển mở rộng các mô hình sản xuất gắn với du lịch nông nghiệp, phục vụ nhu cầu du khách góp phần nâng cao giá trị thu nhập.
Phối hợp với các ngành trong quản lý giống cây trồng đặc biệt là giống cây ăn quả, vật tư đầu vào. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường nội tiêu và xuất khẩu. Hướng dẫn áp dụng kỹ thuật quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) tại các vùng trồng giúp tăng cường sức khỏe cây trồng với sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh Panama hại chuối.
Tiếp tục thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, chế biến sâu các sản phẩm từ chuối, dứa, quả ôn đới; từng bước nâng tỷ lệ sản phẩm qua chế biến như sản phẩm chuối, mận, đào, lê sấy dẻo, sấy theo công nghệ chiên giòn, dứa đóng hộp hay các loại rượu được làm từ chuối, mận, đào, lê… phù hợp theo quy mô của mỗi loại sản phẩm theo nhu cầu thị trường, để phát triển vùng nguyên liệu ổn định và bao tiêu sản phẩm cho Nhân dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, các đơn vị liên quan chỉ đạo phát triển vùng trồng chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới trên địa bàn tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào như giống, phân bón và nhất là thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn; đặc biệt là tiêu chuẩn xuất khẩu, kết hợp chuyển đổi giống mới, thâm canh, nâng cao chất lượng bền vững vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới.
Kiểm tra việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới trên địa bàn. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho người dân địa phương và các doanh nghiệp.
Tiếp tục chỉ đạo Trung tâm giống tập trung nghiên cứu, khảo nghiệm, lựa chọn bộ giống mới, giống chất lượng cao kháng bệnh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ canh tác của người dân Lào Cai. Xây dựng hệ thống sản xuất, cung ứng giống cây ăn quả chất lượng, sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng.
Sở Công thương
Tăng cường công tác quảng bá xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới của Lào Cai. Thường xuyên cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường tiêu thụ và giá cả sản phẩm chuối, dứa trong nước và trên thế giới cho Sở Nông nghiệp và Phát triển sản xuất, các địa phương kịp thời nắm bắt và điều tiết sản xuất.
Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin về các quy định của nhà nước trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản, đặc biệt các sản phẩm nông sản xuất vào thị trường Trung quốc. Tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân thu mua xuất khẩu chuối, dứa về kho bãi, xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa… qua cửa khẩu.
Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà máy, xưởng chế biến, đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch phát triển các sản phẩm đóng hộp, nước ép hoa quả đóng chai, rượu hoa quả, mứt chuối, dứa, mận, đào, lê sấy khô phù hợp theo quy mô của mỗi loại sản phẩm theo nhu cầu thị trường, tạo vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho Nhân dân.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết năm 2023 toàn tỉnh có 2.355 ha chuối, sản lượng 40.000 tấn; 2.200 ha dứa, sản lượng 41.900 tấn; cây ăn quả ôn đới 4.195 ha, sản lượng 10.445 tấn. Tuy nhiên, sản xuất chưa bền vững, hiệu quả chưa cao, diện tích chuối giảm mạnh, quả chuối xuất khẩu giá không ổn định; diện tích cây ăn quả ôn đới tuy có tăng nhưng năng suất, chất lượng thấp; các hình thức tổ chức sản xuất vẫn còn mang tính tự phát; sản phẩm qua chế biến chưa nhiều…