Sáng 26/3, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức họp báo thông tin tình hình công tác Công an, quý I/2024. Người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô chủ trì.
Tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội
Theo đó, trong quý I, lực lượng Công an tập trung triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên phạm vi toàn quốc thực sự quyết liệt, đúng tính chất cao điểm (tổ chức sớm hơn và kéo dài hơn các năm trước, mục tiêu đặt ra cao hơn, cường độ công tác cao hơn, biện pháp quyết liệt hơn, gắn trách nhiệm của Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương, thể hiện rõ quyết tâm của toàn lực lượng trong tấn công tội phạm liên tục, góp phần kiềm chế, kéo giảm tội phạm, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội.
Trong quý I/2024, xảy ra 13.640 vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 15,85% so với quý IV/2023; hầu hết các loại tội phạm giảm mạnh so với quý IV/2023, như: giết người giảm 21,62%; cố ý gây thương tích giảm 30,29%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản giảm 33,93%.
Đã điều tra, khám phá 10.925 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 80,1%; bắt, xử lý hơn 24 nghìn đối tượng; triệt phá 44 băng, nhóm tội phạm; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 1.152 đối tượng truy nã.
Phát hiện 9.408 vụ, 14.847 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ hơn 112kg heroin, hơn 650kg và 741.885 viên ma túy tổng hợp, hơn 765kg cần sa.
Trong quý I/2024, phát hiện 231 vụ, 491 đối tượng phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 10% số vụ, 26,55% số đối tượng so với quý IV/2023); phát hiện 2.236 vụ, 3.358 cá nhân, 5 tổ chức phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (tăng 1.132 vụ, 1.575 cá nhân, 1 tổ chức so với quý IV/2023)
Tập trung xử lý các loại tệ nạn xã hội; tội phạm sử dụng công nghệ cao; buôn bán hàng giả, trốn thuế… Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; tăng cường đấu tranh với hành vi vi phạm trong quy hoạch, cấp phép, quản lý, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, đưa, nhận hối lộ.
Điều tra xử lý 88 vụ buôn lậu, 1.202 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, 56 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, 33 vụ trốn thuế. Phát hiện, xử lý 184 vụ, 235 cá nhân, 1 tổ chức phạm tội về môi trường.
Đã xử lý hơn 1 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền hơn 2 nghìn tỉ đồng, tước hơn 206 nghìn giấy phép lái xe…
Tuyệt đối không “chùng xuống”, “xả hơi” sau cao điểm
Thời gian tới, lực lượng Công an nhân dân tiếp tục thực hiện các kế hoạch đấu tranh với tội phạm theo tuyến, địa bàn trọng điểm và hệ loại đối tượng, tuyệt đối không “ chùng xuống”, “xả hơi” sau cao điểm.
Trong đó: Tăng cường công tác phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; tập trung đấu tranh với tội phạm hình sự, tội phạm ma túy trên các tuyến giao thông, địa bàn trọng điểm, phức tạp; Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp kéo giảm 5% tội phạm về trật tự xã hội so với năm 2023. Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Phát huy tốt vai trò thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06); Đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 và chuyển đối số trong Công an nhân dân.
Tăng cường quản lý cư trú, quản lý cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo;
Thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông. Hướng dẫn, triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các chỉ đạo về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Xuất hiện loại tội phạm mới, tấn công bằng “đạn bọc đường”
Tại cuộc họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), cho biết quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Tập đoàn Phúc Sơn đã bóc ra một “dạng tội phạm mới”.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho biết, lời khai của các bị can cho thấy Hậu đã có những hành vi chi phối, lũng đoạn, gây áp lực ép một số bị can nguyên là lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, bằng cách Hậu dựa vào mối quan hệ thân quen là người có chức vụ quyền hạn. Đây là hành vi rất nguy hiểm, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước, nhân dân, làm xấu hình ảnh của Đảng, Nhà nước.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định Tập đoàn Phúc Sơn đầu tư 21 dự án. Đến nay, C03 tập trung điều tra các hành vi sai phạm của các bị can đã bị khởi tố tại tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi.
Lãnh đạo Cục C03 cho biết bà Hoàng Thị Thúy Lan (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) và ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc) đã nhận hối lộ nhiều tỷ đồng. Số tiền này, 2 bị can đã khai nhận và nộp lại.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an kêu gọi các đối tượng có liên quan trong vụ án này khẩn trương đầu thú, tố giác tội phạm và khắc phục hậu quả để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Bổ sung thêm tại họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, qua vụ án, đã chỉ ra loại tội phạm mới, cảnh tỉnh, phòng ngừa chung là sử dụng mối quan hệ thân thiết với người có quyền hạn, chức vụ cao để gây tác động, ảnh hưởng chính quyền cơ sở nhằm trục lợi.
Có thể nói, đây là loại tội phạm tấn công bằng “đạn bọc đường” mà người bị “tấn công” không nhận ra – Người phát ngôn Bộ Công an ví von.