Chiều 14/3, Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh tổ chức cuộc họp đánh giá thực trạng công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện Đề án 06 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 06 chủ trì cuộc họp.
Dự cuộc họp còn có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh; thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh.
Nhiều kết quả nổi bật
Tính đến thời điểm hiện tại, các nhiệm vụ của Đề án 06 theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Lào Cai đều hoàn thành đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình, chất lượng (đánh giá theo 26 nhiệm vụ Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó có 9 nhiệm vụ có thời hạn và 17 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên.
UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án số 06 tỉnh Lào Cai đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án. Tính đến thời điểm hiện tại, các nhiệm vụ được duy trì, thực hiện bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
Công an tỉnh (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường tham mưu triển khai thực hiện Đề án 06; cung cấp thông tin, phối hợp với các sở, ngành bổ sung, làm sạch dữ liệu chuyên ngành có liên quan. Thường xuyên trao đổi phối hợp, làm việc trực tiếp với các sở, ban, ngành, địa phương, qua đó đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện, chỉ ra tồn tại, hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06, trọng tâm là tăng tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và phương thức thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip để khám – chữa bệnh, thực hiện các mô hình điểm của Đề án 06.
Công tác tuyên truyền về các nội dung của Đề án 06 được quan tâm triển khai thực hiện qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về công tác phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử…
Còn nhiều khó khăn
Việc thực hiện Đề án 06 trong những năm qua cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc. Trong đó cổng dịch vụ công của tỉnh chưa được nâng cấp theo hướng tổng thể, đảm bảo theo yêu cầu của chuyển đổi số, chưa tổ chức đánh giá đáp ứng các quy định có liên quan; vẫn còn một số chức năng chưa đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Hiện nay, việc thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn chậm, nhiều phần mềm chuyên ngành của một số bộ, ngành quản lý chưa chia sẻ dữ liệu, chưa kết nối, liên thông với nhau, dẫn đến lãng phí, khó khăn cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để tra cứu, thực hiện. Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu dùng chung còn chưa được chuẩn hóa, dẫn tới người dân và doanh nghiệp chưa được hưởng hết các tiện ích từ dữ liệu dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính và các dịch vụ công khác.
Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện đang triển khai bằng các giải pháp khác nhau, đơn lẻ, chưa kết nối liên thông với nên chưa quản lý đồng bộ được các nội dung thu của các lĩnh vực (mã vuông QR (chuyển khoản/thanh toán), qua website (chuyển khoản/thanh toán), Mobile Money và thẻ (POS) hoặc các giải pháp khác.
Việc theo dõi bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (trên Cổng Dịch vụ công quốc gia) còn gặp một số khó khăn như chưa trích xuất được danh mục hồ sơ quá hạn, phải tra cứu thủ công từng hồ sơ; việc đồng bộ tiến trình giải quyết thủ tục hành chính còn khó khăn; việc kết xuất dữ liệu chưa được thuận tiện và khoa học.
Tỉnh Lào Cai còn 14 thôn chưa có hạ tầng internet băng rộng di động, 225 thôn chưa có hạ tầng internet băng rộng cáp quang. Một số bộ phận người dân, chủ yếu là người lao động, người dân tộc thiểu số, người dân sinh sống tại các khu vực xa trung tâm, khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin còn thấp; người dân chưa tiếp cận nhiều và chưa hiểu rõ về dịch vụ công.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
Việc triển khai Đề án 06 là một nhiệm vụ quan trọng, có tính lan tỏa cao và đem lại lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài. Khó khăn, thách thức, điểm nghẽn còn nhiều, do đều là những vấn đề mới, khó, chưa có trong tiền lệ nên trong thời gian tới cần tập trung chỉ đạo, thực hiện việc tháo gỡ khó khăn.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo biểu dương, đánh giá cao kết quả thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Trong năm 2024, yêu cầu của Chính phủ, của tỉnh là rất cao, đề nghị Ban Chỉ đạo tổ chức họp đánh giá theo từng quý, tổ giúp việc họp theo tháng để kịp thời đánh giá mức độ thực hiện, tháo gỡ vướng mắc; giao cơ quan thường trực phân công lại nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh nhấn mạnh: Năm 2024 cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 53 dịch vụ công thiết yếu, trong đó có 28 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Đối với cải cách thủ tục hành chính, cần phải đảm bảo các dịch vụ công đưa lên đảm bảo toàn trình, nâng tỉ lệ sử dụng. Đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang gương mẫu thực hiện các dịch vụ công toàn trình; Sở Thông tin Truyền thông tiếp tục có văn bản chỉ đạo, đôn đốc, có cơ chế kiểm soát lại, đánh giá tình hình thực hiện. Bên cạnh đó, cần khẩn trương đưa các thủ tục hành chính nội bộ lên cổng dịch vụ công; tạo ra sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong mọi mặt của xã hội, đầu tiên là từ thanh toán dịch vụ công, thanh toán tại các chợ truyền thống, cơ sở y tế, giáo dục.
Với 43 mô hình có kế hoạch thực hiện trong năm 2024 – 2025, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải xác định tiến độ, sắp xếp nguồn để chủ động thực hiện sao cho hiệu quả, hợp lý.