Liên quan đến vụ nữ tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn mức khủng, va chạm với xe máy sau đó “nổ” là cháu gái bộ trưởng, ngày 7/3, đơn vị chức năng cho biết, đang tích cực thu thập hồ sơ, chứng cứ để điều tra nguyên nhân.
Đêm 5/3, ô tô BKS 30H – 119.xx đang di chuyển trên đường Trần Cung, hướng đi Phạm Văn Đồng, Hà Nội đã va chạm với xe máy đang dừng sát vỉa hè.
Lực lượng chức năng đưa nữ tài xế ô tô đi kiểm tra nồng độ cồn sau khi xảy ra va chạm với xe máy tại phố Trần Cung, Hà Nội.
Sau khi nhận được tin báo, CSGT đã đến hiện trường và xác định, người điều khiển ô tô là chị L.H.T (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội), người điều khiển xe máy là anh N.V.A (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Khi kiểm tra nồng độ cồn, cảnh sát xác định nữ tài xế vi phạm mức 0,573 miligam/lít khí thở. Đây là mức vi phạm rất cao, vì chỉ cần ở mức 0,4 miligam/lít khí thở là tài xế đã bị xử phạt kịch khung.
Đáng chú ý, sau khi xảy ra vụ việc, một số trang mạng xã hội đưa tin nữ tài xế L.H.T tự xưng là cháu của một vị bộ trưởng. Lực lượng chức năng ngay sau đó đã xác định chị này không có bất kỳ quan hệ gì với người mà chị ta tự nhận.
Dư luận mấy ngày qua dành sự quan tâm rất lớn đối với vụ việc kể trên. Một phần vì tài xế vi phạm nồng độ cồn mức khủng là nữ và có lẽ phần lớn là vì người này đã tự nhận là người thân của quan chức.
Việc tự nhận là người nhà của những người có chức, có quyền hòng xin bỏ qua vi phạm giao thông, thậm chí là dọa nạt lại lực lượng chức năng trước đây khá phổ biến. Khi bị cảnh sát dừng xe, nhiều người lập tức khoe quen người này, biết người kia, thay vì chấp hành giải quyết.
Tuy nhiên, từ khi ngành công an quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn với tinh thần không có vùng cấm, không ngoại lệ, đã có rất nhiều cán bộ, công chức, trong đó có cả bí thư, chủ tịch huyện, phó giám đốc sở, cán bộ phòng CSGT cũng đã bị xử nghiêm. Vậy nên rất hiếm tài xế dám “nổ” quen biết ai.
Có thể nữ tài xế lái xe trong tình trạng say rượu đã không thể kiểm soát được bản thân. Rất may là va chạm nhẹ, chứ với nồng độ cồn mức rất cao như vậy, không ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra.
Điều khiến dư luận bức xúc hơn là chuyện nữ tài xế tự nhận mình là cháu gái của một vị bộ trưởng. Cháu gái bộ trưởng thì sao? Không lẽ là cháu bộ trưởng thì có quyền uống rượu lái xe, có quyền gây tai nạn, có quyền đứng trên pháp luật? Là cháu bộ trưởng thì những người khác phải sợ?
Nữ tài xế một khi có bằng lái ô tô, điều khiển xe ra đường buộc phải hiểu, khi đã uống rượu bia thì không được phép lái xe. Nhưng rõ ràng người này biết mà vẫn cố tình vi phạm. Sau khi xảy ra va chạm, thay vì ứng xử một cách có văn hóa, nữ tài xế đã hành động ngược lại.
Tới đây, khi cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân vụ va chạm, việc nữ tài xế bị tước bằng lái, xử phạt tiền là khó tránh khỏi. Biết đâu giờ này nữ tài xế đang hối hận vì đã trót hành xử như vậy. Nhưng có hối hận thì sự việc cũng đã rồi.
Tôi nghĩ, vụ việc này sẽ là bài học cho nhiều người. Đó là bài học về văn hóa khi tham gia giao thông, bài học về chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, bài học về cách ứng xử nếu không may xảy ra va chạm trên đường.
Và trên hết, đó bài học về sự thượng tôn pháp luật. Bất kể ai trong xã hội đều phải tuân thủ pháp luật, không một ai có quyền đứng trên pháp luật.