Chỉ 6 tháng sau khi tỉnh Lào Cai giải phóng, Tỉnh ủy đã nhanh chóng thành lập ngành Kiểm tra Đảng của tỉnh với tiền thân là Tổ kiểm tra để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong Đảng. Đến năm 1960, ủy ban kiểm tra các huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy được thành lập theo nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III.
Việc kịp thời thành lập ủy ban kiểm tra các cấp đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của đảng bộ, nhất là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng và làm cho các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
Ở mỗi giai đoạn lịch sử, yêu cầu đặt ra trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm khác nhau. Ví như giai đoạn 1969 – 1973, tập trung cho việc xác minh lịch sử chính trị của một số đảng viên nhằm làm trong sạch Đảng theo Nghị quyết 195 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 192 của Ban Bí thư.
Những năm 1974 đến khi tái lập tỉnh tăng cường kiểm tra việc thực hiện điều lệ Đảng đối với tổ chức đảng và tư cách đảng viên, giữ nghiêm kỷ luật Đảng… Bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là từ khi tái lập tỉnh đến nay, Tỉnh ủy tiếp tục có nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật đảng, góp phần tăng cường sức mạnh, năng lực và củng cố uy tín của Đảng đối với Nhân dân. Với trọng tâm là đổi mới công tác kiểm tra, giám sát bắt đầu từ khâu quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Qua đó, cấp ủy các cấp trong toàn Đảng bộ tỉnh ngày càng nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát; xác định kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đảng, là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của toàn Đảng bộ, do đó đã thường xuyên coi trọng và làm tốt công tác kiểm tra, giám sát.
Trong các nhiệm kỳ, cùng với việc triển khai kịp thời các quy định của Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định, quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng đến các tổ chức đảng, đảng viên, Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc đã kịp thời ban hành quy chế làm việc của cấp ủy, của ủy ban kiểm tra và chương trình công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ, hằng năm để thực hiện.
Tỉnh ủy ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát như: Thực hiện quy chế chất vấn trong Đảng; quy định về giám sát cán bộ; quy định về giải quyết tố cáo đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; hằng năm có bổ sung chương trình kiểm tra, giám sát theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương…
Một trong những giải pháp tiêu biểu nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát trong lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát là trong các nhiệm kỳ, Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng và ban hành các đề án liên quan.
Cụ thể, nhiệm kỳ 2010 – 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Đề án số 26 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra của toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị”, chỉ đạo 14/14 tổ chức đảng trực thuộc cụ thể hóa thành đề án, nghị quyết chuyên đề để tổ chức thực hiện.
Sang nhiệm kỳ 2015 – 2020, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU, ngày 8/11/2016 “Về lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020”, tiếp tục chỉ đạo ban hành Đề án 01-ĐA/BCĐCCHC ngày 12/9/2016 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh “về quy trình thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề, thi hành kỷ luật, giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại của tổ chức đảng, cấp ủy, cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh Lào Cai”.
Đến năm 2020, Tỉnh ủy tiếp tục sửa đổi, bổ sung và ban hành Quy định 1476-QĐ/TU ngày 21/4/2020 “về bộ quy trình thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề, thi hành kỷ luật, giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại của tổ chức đảng, cấp ủy, cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh Lào Cai” thay thế Đề án 01, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy ban hành Quyết định 351-QĐ/UBKTTU ngày 31/3/2020 “về bộ quy trình công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng dùng cho ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh Lào Cai” để thống nhất thực hiện.
Nhiệm kỳ 2020 – 2025 là Đề án số 16 về “nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 – 2025”.
Riêng đối với thực hiện Đề án 16, cấp ủy, ủy ban kiểm tra, các cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy các cấp đã kiểm tra, giám sát đối với 7.804 lượt tổ chức đảng và kiểm tra, giám sát đối với 20.551 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát đối với 1.530 tổ chức và 162 đảng viên.
Nhìn chung, các tổ chức đảng trong toàn đảng bộ tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện hiệu quả Đề án 16; nhiều chỉ tiêu về công tác kiểm tra, giám sát đạt cao so với cả nhiệm kỳ, nhất là kiểm tra, giám sát theo Điều 32 Điều lệ Đảng đối với tổ chức đảng của ủy ban kiểm tra các cấp đạt 106% và đối với đảng viên đạt 130% so với mục tiêu đề án.
Theo đánh giá của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, công tác đổi mới, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng tại địa phương, đơn vị luôn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; từ công tác triển khai, quán triệt đến thực hiện được quan tâm chỉ đạo; các mục tiêu kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng qua từng nhiệm kỳ đều đạt và vượt mục tiêu năm đề ra.
Thực tế công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng của cấp ủy các cấp những năm qua, một số bài học rút ra, đó là: Phải bám sát chương trình kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng của nhiệm kỳ, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát hằng năm bám sát các nhiệm vụ chính trị đã được đề ra trong nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên và phù hợp tình hình thực tế của địa phương; tập trung kiểm tra, giám sát các vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm; thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình, thủ tục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; phát huy cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy và ủy ban kiểm tra trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh đấu tranh phê bình và tự phê bình, nghiêm túc nhìn nhận, khẩn trương khắc phục các sai phạm, khuyết điểm được chỉ ra trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, không để vi phạm kéo dài; có biện pháp giám sát, kiểm tra kịp thời phát hiện vi phạm để ngăn chặn, khắc phục, không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm của cá nhân thành vi phạm của tập thể; cấp ủy các cấp quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa ủy ban kiểm tra các cấp với các cơ quan thanh tra, điều tra và các cơ quan tư pháp các cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… trong xem xét, xử lý đối với cán bộ, đảng viên sai phạm…