Một buổi chiều đầu xuân, khi nắng ửng vàng, gió từ dưới sông thổi lên vẫn còn rét ngọt, men theo Tỉnh lộ 151, dọc hữu ngạn sông Hồng, chúng tôi tìm về thôn Xuân Sang. Ngắm nhìn Xuân Sang với nhịp sống hoan ca, ít người tin rằng nơi này từng là bãi lau, bãi sậy, quanh năm đất lở và nhiều thú hoang.
Xuân Sang là thôn kiểu mẫu, điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của xã Tân An (huyện Văn Bàn). Lần thứ 3 đến mảnh đất này, nhưng mỗi lần tới đây, Xuân Sang lại khiến tôi không khỏi ngạc nhiên bởi nhiều câu chuyện còn chưa được kể và đặc biệt là sự đổi thay trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Vũ Văn Kỳ, Trưởng thôn năng nổ, nhiệt tình, được bà con quý trọng, tin tưởng đón chúng tôi. Khi tôi bày tỏ mong muốn được gặp một cụ ông trong thôn để nghe chia sẻ thêm câu chuyện cách đây hơn 40 năm có 6 công nhân miền xuôi ngược lên Tây Bắc chinh phục vùng đất mới, ông Kỳ trầm ngâm: Cụ Trần Văn Thố, 1 trong 6 người đầu tiên lên đất này khai hoang lập nghiệp, nay đã 95 tuổi, không còn minh mẫn, nhưng ông Trần Duy Long, con trai cụ Thố tiếp nối bố, luôn sẵn lòng kể cho mọi người nghe về những ngày đầu vỡ đất, khai hoang.
Ông Kỳ dẫn chúng tôi đến gặp ông Long. Gia đình ông Long sống trong căn nhà vườn khang trang xây cách đây 2 năm. Các con, cháu đều đi công tác xa, chỉ có 2 ông bà ở nhà, hằng ngày vợ chồng tranh thủ phơi ván bóc thuê. Trời đã về chiều, vừa nhanh tay xếp những tấm ván bóc vào nơi có mái che, ông và bà vừa nhiệt tình trò chuyện.
“Ông Trần Văn Thố – bố tôi, quê ở Trực Ninh (Nam Định). Ông là bộ đội, rồi trở thành công nhân của Nông trường Phú Xuân (Hà Nội). Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, ông cùng 5 công nhân khác tại nông trường ngược lên Tây Bắc xây dựng vùng kinh tế mới. 6 công nhân mỗi người một quê từ các tỉnh như Nam Định, Hà Nam, Thái Bình… quyết tâm khai hoang vùng đất toàn lau sậy bên bờ sông Hồng. Ban đầu vùng đất này được đặt tên là Phú Xuân”, ông Trần Duy Long tâm sự.
Đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Phú Xuân có thêm vài hộ lên khai hoang, cả vùng chỉ có khoảng 20 hộ được đổi tên thành Xuân Sang. Chia sẻ tiếp về những ngày đầu vỡ đất, khai hoang, ông Vũ Văn Kỳ cho biết: Năm 1997, gia đình tôi mới lên đây. Khi đó cả vùng chỉ có khoảng 30 hộ và có 4 hộ xây nhà kiên cố. Tôi đi làm mộc thuê, mỗi ngày nhận được 10 nghìn đồng.
Ông Kỳ trở thành trưởng thôn đầu tiên của Xuân Sang và giữ trọng trách đó tới nay. Hơn 40 năm trôi qua, những người đầu lên khai hoang người còn người mất, thế nhưng câu chuyện về gian nan ngày đầu không bao giờ lãng quên, được thế hệ sau luôn ghi nhớ và kể lại cho con, cháu nghe.
Sống những ngày gian nan giữa lau sậy mới thấm sự gần gũi thân thương và ý chí của người dân. Những người dân lên sau, việc dựng nhà, lập nghiệp đỡ cực khổ hơn khi được chia đất từ những người cũ. Đến nay, Xuân Sang có 98 hộ, trong đó chỉ có 7 hộ nghèo. Hầu hết các gia đình xây được khang trang, các hộ có thu nhập bình quân 50 – 60 triệu đồng/năm.
Người dân Xuân Sang ban đầu chủ yếu trồng sắn, đây cũng là cây lương thực giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ giàu. Sau nhiều năm, cây sắn không còn duy trì sản lượng và giá trị như ban đầu, địa phương khuyến khích người dân chuyển sang trồng rừng, đến nay thôn đã có hơn 150 ha quế, nhiều diện tích đã cho thu hoạch. Thôn có 8 cơ sở sản xuất ván bóc, nhiều hộ có xưởng lớn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 25 – 30 nhân công. Tiêu biểu như hộ bà Bùi Thị Ngát làm kinh tế giỏi nhất thôn – là cá nhân điển hình tiên tiến dám nghĩ, dám đầu tư. Xưởng của bà Ngát giải quyết việc làm ổn định cho 30 nhân công với thu nhập mỗi tháng 6 – 7 triệu đồng/người. Ngoài ra còn có xưởng của gia đình bà Đinh Thị Nguyệt, ông Đạt, ông Hùng cũng duy trì tốt hoạt động.
Đến Xuân Sang hôm nay, nhịp sống hối hả, người dân cần mẫn với công việc, những chuyến xe chở ván bóc ngược xuôi. Một số gia đình hiến đất mở rộng đường, đóng góp nhân lực, vật lực xây dựng nông thôn mới. Các tuyến đường của thôn đã được đổ bê tông, đường điện thắp sáng mọi nơi khi thôn kêu gọi xã hội hóa hơn 100 triệu đồng để xây dựng 2.700 m đường điện.