Toàn tỉnh hiện có hơn 610 nghìn con gia súc và hơn 5 triệu con gia cầm. Những năm qua, cùng với phát triển đàn gia súc, gia cầm, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ. Tỉnh đã hỗ trợ kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng một số loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho vật nuôi, gồm: Vắc-xin lở mồm, long móng trâu, bò; vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò; vắc-xin dịch tả lợn và tụ huyết trùng lợn; vắc-xin dại; vắc-xin cúm gia cầm.
Tuy nhiên, với tình trạng chăn nuôi gia súc quy mô nhỏ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao và cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật chăn nuôi nông hộ còn nhiều hạn chế, người chăn nuôi thiếu kiến thức phòng, chống dịch bệnh, vẫn còn tình trạng thả rông gia súc khiến việc tiêm phòng theo đợt gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và chưa chủ động đăng ký tiêm phòng cho đàn vật nuôi của gia đình, dẫn đến việc quản lý, kiểm soát dịch bệnh gặp khó.
Thời tiết đang giai đoạn chuyển mùa, đây là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan nhanh. Vì vậy, các địa phương cần triển khai, làm tốt công tác tuyên truyền, đôn đốc các hộ chăn nuôi chủ động vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; vận động các hộ chăn nuôi chủ động mua các loại vắc-xin không thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo từng độ tuổi…
Việc tiêm phòng cho vật nuôi được triển khai 2 đợt chính trong năm (đợt 1 từ ngày 1/3 đến 30/4/2024 và đợt 2 ngày từ 20/8 đến 30/10/2024), đồng thời tổ chức tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm, mới đến tuổi tiêm; gia súc, gia cầm đã khỏi bệnh, mới nhập về và gia cầm đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ theo quy định; tiêm phòng khẩn cấp khi có ổ dịch phát sinh.
Hiện là thời điểm giao mùa, thời tiết thường thay đổi đột ngột khiến đàn gia cầm dễ mắc các bệnh như viêm phổi, cúm, tiêu chảy, tụ huyết trùng… Được cán bộ thú y tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, gia đình bà Lê Thị Hằng (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) đã vệ sinh, khử trùng chuồng nuôi cẩn thận, bổ sung thức ăn, nước uống cho đàn gia cầm. Bà Hằng cho biết: Việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được gia đình thực hiện nghiêm ngặt: Phun thuốc khử trùng, tiêu độc ở khu vực chăn nuôi 1 lần/tháng và rắc vôi bột 4 lần/tháng; cung cấp đủ nước uống, thức ăn, bổ sung vitamin, men tiêu hóa cho gia cầm; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn gia cầm…
Mỗi năm, gia đình bà Hằng nuôi hơn 15 nghìn con gà nhưng nhờ chủ động các biện pháp phòng bệnh, đàn gia cầm luôn phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh.
Là địa bàn trọng điểm chăn nuôi của huyện Bảo Thắng, xã Xuân Quang hiện có tổng đàn gà hơn 420 nghìn con, với 32 trang trại và gần 1 nghìn hộ nuôi. Thực hiện theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, không chỉ gia đình bà Hằng mà các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn xã cũng chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Ông Vũ Trọng Thủy, cán bộ thú y xã Xuân Quang cho biết: Chúng tôi thường xuyên đi từng thôn, hộ tuyên truyền về các loại bệnh và biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến các hộ chăn nuôi. Ngoài ra, phối hợp với các cửa hàng, đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y hướng dẫn các hộ vệ sinh chuồng trại, tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cho đàn vật nuôi… Nhờ vậy, ý thức của các hộ chăn nuôi được nâng lên rõ rệt.
Tại thành phố Lào Cai, thời điểm này các hộ chăn nuôi trên địa bàn đang đẩy mạnh tiêm phòng cho đàn vật nuôi và phun tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại và môi trường xung quanh. Ông Nguyễn Đình Tâm, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Lào Cai cho biết: Trạm đã cử cán bộ đến tuyên truyền, hướng dẫn người dân thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, gia cầm và khai báo tình hình dịch bệnh, có phương án chữa trị kịp thời. Cùng với đó, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh và quan tâm chế độ chăm sóc vật nuôi.
Sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và sự chủ động của hộ chăn nuôi giúp bảo vệ đàn vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.