Trong dịp này, các thành viên của hai cộng đồng kéo co đã tổ chức Lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống tại di tích văn hóa lịch sử quốc gia Đền Trung Đô – nơi thờ Gia Quốc công Vũ Văn Mật có công dẹp loạn, an dân, hùng cứ vùng Tây Bắc thế kỷ 16 – 17. Đồng thời, hai cộng đồng kéo co đã trao đổi về lịch sử, ý nghĩa của kéo co với mỗi cộng đồng ở địa phương; tham gia hoạt động kéo co.
Theo sử sách, nghi thức Kéo co ngồi được tổ chức trong lễ hội đền Trấn Vũ vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm với 3 mạn tham gia: mạn Chợ, mạn Đường và mạn Đìa. Điểm độc đáo của nghi lễ này là các đội tham gia ngồi trên nền đất để kéo, người kéo co ngồi chân co chân duỗi và ngồi xen kẽ, người quay mặt bên này, người bên kia của dây. Thông qua trò chơi và nghi lễ Kéo co ngồi, người dân cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa vụ bội thu.
Nghi lễ và trò chơi Kéo co là di sản văn hóa phi vật thể, vừa là trò chơi hấp dẫn vừa là nghi lễ thiêng liêng gắn kết với đời sống tinh thần, tâm linh và ước vọng tốt đẹp của cộng đồng. Do đó, các địa phương có di sản Nghi lễ và trò chơi Kéo co đều chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống đương đại…
Được biết, năm 2015, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam được tổ chức UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việt Nam có 4 địa phương, gồm Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nội có di sản được ghi danh. Trong đó Kéo co ngồi Đền Trấn Vũ và Cộng đồng kéo co người Tày thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai. Dù mỗi cộng đồng, đất nước có tên gọi, cách thực hành khác nhau về nghi lễ và trò chơi kéo co, nhưng đều hướng tới mục tiêu cầu sức khỏe cho nhân dân, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Điểm chung của nghi lễ và trò chơi kéo co ở các cộng đồng là chung một sợi dây. Sợi dây là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, là sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, là sự nối dài của những cánh tay, sự tiếp sức từ cộng đồng này đến cộng đồng khác.