Một cuộc thảo luận mới đây về vấn đề chuyển đổi nền kinh tế và đảm bảo nguồn lao động lành nghề do Sáng kiến Liên minh Cơ hội (ADC) tổ chức tại trụ sở tập đoàn Bosch ở Berlin-Charlottenburg, thu hút sự tham gia của đại diện tất cả 65 tập đoàn lớn là thành viên ADC, từ công ty đường sắt Deutsche Bahn đến các nhà cung cấp phụ tùng ô tô Bosch và Continental, cả các công ty viễn thông Siemens và Deutsche Telekom.
Phát biểu tại cuộc thảo luận, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết: “Đúng là đang có thay đổi và không thể ngăn chặn, nhưng chúng ta có thể coi nhiệm vụ của mình là đảm bảo những thay đổi này không phải là mối đe dọa”.
Ngày càng có nhiều công ty Đức quyết định thực hiện các chương trình “thắt lưng buộc bụng” bao gồm cắt giảm việc làm trên diện rộng.
Cắt giảm việc làm trên diện rộng
Tuy nhiên, những dấu hiệu xuất hiện trong mùa Xuân năm 2024 không chỉ cho thấy sự thay đổi mà còn cho thấy mối đe dọa.
Ngày càng có nhiều công ty quyết định thực hiện các chương trình “thắt lưng buộc bụng” bao gồm cắt giảm việc làm trên diện rộng. Bosch muốn cắt giảm hơn 3.000 việc làm ở Đức. Đối thủ cạnh tranh ZF thậm chí còn bị đồn sẽ cắt giảm 12.000 việc làm. Continental, công ty thứ ba trong nhóm các nhà cung cấp phụ tùng ô tô lớn của Đức, giữa tuần qua tuyên bố, ngoài việc cắt giảm 5.400 việc làm hành chính, sẽ loại bỏ thêm 1.750 việc làm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.
Cắt giảm mạnh việc làm từ lâu đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nữa. Nhà sản xuất thiết bị gia dụng Miele đang có kế hoạch cắt giảm 2.000 việc làm và chuyển sản xuất sang Đông Âu. Công ty phần mềm SAP sẽ mất 8.000 việc làm. Công ty dược phẩm và công nghệ sinh học Bayer AG cũng có kế hoạch giảm hàng nghìn việc làm.
Những tín hiệu này không khác gì thời kỳ cách đây 20 năm, khi tỷ lệ thất nghiệp ở Đức cao gần gấp đôi hiện nay và số người thất nghiệp cao ở mức đáng sợ, ngang với những năm cuối của thời Cộng hòa Weimar đầu những năm 1930.
Nhưng vấn đề ngày nay khác rất xa. Chắc hẳn ai cũng biết vấn đề của nước Đức hiện nay – với vai trò là một địa điểm kinh doanh, là tình trạng thiếu lao động chứ không phải là tình trạng thất nghiệp.
Vậy tại sao lại có việc cắt giảm hàng chục nghìn nhân viên hầu hết có trình độ cao như vậy?
Sự chuyển đổi “đau đớn”
Trên thực tế, thị trường lao động Đức đang trải qua những triệu chứng của một sự chuyển đổi “đau đớn” do các công ty đang trong quá trình chuyển đổi số và phải tự đổi mới về mặt công nghệ. Các nhà sản xuất và cung cấp phụ tùng ô tô như Bosch và ZF đang chuẩn bị cho kỷ nguyên xe điện và xe tự hành, còn nhà sản xuất phần mềm SAP đang phải sẵn sàng cho thời kỳ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Các công ty truyền thống như Bayer cũng nhận thức được rằng họ không còn có thể theo kịp tốc độ cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng với cơ cấu quản lý hiện tại. Các công ty vẫn cần đội ngũ nhân sự có trình độ để đối mặt với tất cả những thách thức trên nhưng lại không phải lực lượng lao động mà họ đang có.
Cùng với đó, tổng hợp các yếu tố như hoạt động kinh tế yếu kém, lạm phát dai dẳng, lãi suất cao và năng lượng đắt đỏ khiến nguồn vốn đột ngột bị thiếu hụt.
Tỷ suất lợi nhuận đang bị xói mòn, rõ ràng là trong cạnh tranh quốc tế, chi phí trong các lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế Đức như ô tô, hóa chất và cơ khí là quá cao.
Andreas Rüter, người đứng đầu công ty tư vấn Alix Partners ở Đức, bác bỏ những ngụy biện cho rằng, các vấn đề của doanh nghiệp Đức sẽ tự khắc đâu vào đấy nếu như lãi suất giảm hay nền kinh tế phục hồi trở lại. Ông Rüter khẳng định: “Những thay đổi về cấu trúc rất triệt để và trên hết là lâu dài, nên các công ty phải hành động ngay lập tức”.
Điều này có nghĩa là trong thời gian ngắn tới đây, nhiều công ty có thể sẽ công bố các chương trình thắt lưng buộc bụng mới, bao gồm cả việc cắt giảm việc làm. Trong khi đó, các chuyên gia thị trường lao động không cho rằng, người lao động bị sa thải có thể dễ dàng chuyển sang các vị trí việc làm còn trống khác. Và ngay cả khi làm được như vậy, những công việc mới này thường được trả lương thấp hơn đáng kể so với vị trí ban đầu trong một tập đoàn lớn.
Nghịch lý cắt giảm việc làm, thiếu lao động có tay nghề
Chuyên gia Fitzenberger của IAB cho biết: “Có một thực tế đáng buồn, không chỉ ở Đức, là những nhân viên mất việc làm được trả lương cao thường sau đó không thể tìm được công việc trả lương cao tương tự”. Tiền lương ở nhiều ngành công nghiệp truyền thống phản ánh mức năng suất khó đạt được ở các ngành khác.
Nhưng tại sao các doanh nghiệp một mặt vẫn cắt giảm việc làm, mặt khác vẫn phàn nàn về thiếu nhân viên lành nghề? Theo chuyên gia tái cơ cấu Rüter chứng kiến hiện tượng này thường xuyên trong các dự án do Alix Partners hỗ trợ: “Vấn đề lớn là trong hầu hết các trường hợp, số nhân viên bị cắt giảm không phù hợp với những vị trí hiện đang thiếu người làm”.
Ví dụ, các doanh nghiệp cung cấp phụ tùng ô tô có nhiều chuyên gia cơ khí truyền thống, nhưng lĩnh vực ô tô điện lại đòi hỏi công nhân lành nghề trong lĩnh vực kỹ thuật điện và phát triển phần mềm.
Tập đoàn phần mềm SAP cũng đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về trình độ chuyên môn. SAP biện minh cho việc tái cơ cấu được công bố gần đây rằng họ đang tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh mới, đặc biệt là AI cho các công ty. Do đó, ban lãnh đạo đang cắt giảm 8.000 việc làm nhưng lại không thu hẹp lực lượng lao động vì một số vị trí trở nên thừa thãi nhưng nhiều vị trí khác lại vẫn thiếu.
Các vị trí đang trống gồm nhà khoa học máy học, kỹ sư nền tảng dữ liệu hoặc cố vấn chuyển đổi kinh doanh. Tổng giám đốc SAP Christian Klein cho rằng khoảng một phần ba trong số khoảng 8.000 nhân viên bị cắt giảm sẽ được điều động sang các vị trí khác sau khi đào tạo lại. Để đạt được điều này, nhà sản xuất phần mềm đang tăng ngân sách đào tạo khoảng 50% lên 150 triệu Euro mỗi năm. Kết quả là 2/3 số người bị giảm biên chế buộc phải rời công ty.
Đại diện nhân viên SAP cho rằng, lý do dẫn đến cắt giảm việc làm không chỉ là trí tuệ nhân tạo mà còn là loại bỏ những nhân viên kỳ cựu của SAP với mức lương cao.
Đào tạo lại thay vì sa thải
Giống như SAP, có nhiều sáng kiến về đào tạo lại những nhân viên bị sa thải để có thể giữ một số người. Ví dụ, Bosch đã đào tạo khoảng 2.900 nhân viên cho các lĩnh vực tăng trưởng trong tương lai, ví dụ như trong lĩnh vực phần mềm và xe điện, với chương trình đánh giá “Sứ mệnh di chuyển” và bố trí nội bộ.
Continental không chỉ đào tạo lại trong nội bộ mà còn muốn mở đường cho những người bị sa thải gia nhập các ngành khác. Nhà cung cấp phụ tùng này vừa mở một trung tâm đào tạo tại chi nhánh Continental ở Gifhorn, vốn sẽ dần đóng cửa vào năm 2027, để cung cấp nhân lực cho Stiebel Eltron, công ty chuyên về bơm nhiệt có kế hoạch xây dựng một nhà máy mới ở Gifhorn.
Phong vũ biểu việc làm trong tháng Một mà Viện nghiên cứu Ifo vừa công bố báo hiệu, các công ty đang cắt giảm nhân sự và ngày càng có nhiều khả năng xảy ra tình trạng sa thải.
Chính quyền luôn hỗ trợ các dự án như vậy. Các công ty đang có những điều chỉnh lớn và muốn tuyển dụng nhân viên đủ điều kiện cho các hoạt động mới, tùy thuộc vào quy mô của công ty, có thể được hoàn trả tới 100% chi phí đào tạo và tới 90% tiền lương được trả trong suốt khóa học. Trong năm ngoái, theo thống kê của cơ quan tuyển dụng, các doanh nghiệp đã tận dụng nguồn tài trợ này cho gần 40.000 nhân viên.
Bộ Kinh tế Liên bang Đức đang tài trợ hoạt động theo cách tương tự cho 27 mạng lưới chuyển đổi. Ở những khu vực như Saarland, nơi bị ảnh hưởng đặc biệt bởi thay đổi cơ cấu, họ tập hợp các công ty, cơ quan việc làm, phòng thương mại và các chủ thể khác cùng nhau phát triển và thực hiện chiến lược cho khu vực. Ví dụ, có thể hỗ trợ các hiệp hội đào tạo nâng cao với sự tham gia của một số công ty.