Với người dân Việt Nam, mùa xuân là mùa của lễ hội. Hiện nay mỗi năm cả nước có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ (bình quân gần 30 lễ hội mỗi ngày), trong đó, hội làng chính là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán từ bao đời. Đến với hội làng, chúng ta bắt gặp muôn mặt của đời sống văn hóa, xã hội.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Kính, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đối với nhân dân ta, lễ hội đóng vai trò rất quan trọng. Đó là những ngày người dân ngưng nghỉ sản xuất, họ mặc những bộ quần áo đẹp nhất, chuẩn bị những thức ăn ngon nhất và hướng lòng mình tưởng nhớ những người đã có công với nước (có công chống giặc ngoại xâm hoặc đem đến một nghề mới cho dân làng). Nói như giáo sư Đinh Gia Khánh, lễ hội là thời điểm mạnh của đời sống cộng đồng, tức là mọi người được thăng hoa, được chung một niềm vui cộng cảm, bình đẳng.
Hội làng là ký ức văn hóa, là di sản văn hóa của một làng, một xã… Và cứ hết Tết vào “Giêng, Hai” chúng ta lại bước vào một không khí lễ hội kéo dài. Theo thời gian, hội làng đã có nhiều sự thay đổi qua các thời kỳ, có những sự biến đổi là tất yếu nhưng cũng có những sự biến đổi đáng lo ngại.
Điều đáng lo ngại nhất trong các hội làng hiện nay là làm mất đi tính thiêng, chạy theo kinh tế, thương mại hóa lễ hội. Trong bối cảnh hiện nay, việc phục dựng và tái tổ chức các hội làng truyền thống có ý nghĩa tích cực đối với đời sống của người dân. Tuy nhiên hiện nay, do tác động của cơ chế thị trường, mục đích này đã ít nhiều bị biến tướng. Ở nhiều nơi, hội làng thành nơi để quảng cáo cho một nhóm đối tượng nào đó, hoặc là nơi cầu lợi lộc, cầu thăng quan tiến chức….
Có thể nói, hội làng có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của dân nhân. Từ xa xưa, hội làng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Chính vì thế các giá trị của hội làng cần được giữ gìn và phát huy, để đây thực sự là nơi lưu giữ hồn cốt của mỗi làng quê.
“Thứ nhất, để cho hội làng nơi luôn luôn lưu giữ các giá trị truyền thống thì ở đây nó có vai trò của người dân là chủ thể gìn giữ và bảo quản, có vai trò của chính quyền, có vai trò của các nhà khoa học, có vai trò của truyền thông… Tôn trọng dân, lắng nghe dân, trao đổi với dân là hết sức cần thiết nhưng nếu để mặc dân muốn làm gì thì làm thì không nên. Chúng ta luôn luôn kính trọng dân nhưng cần phải có sự quản lý, có sự điều tiết, có sự trao đổi… Ở đây là cả một hệ thống những yếu tố, những nhân tố để cho hội làng mãi mãi được tốt đẹp như ngày xưa, đồng thời có những biến đổi phù hợp với cuộc sống ngày nay” – GS.TS Nguyễn Xuân Kính nhấn mạnh.
Hội làng là di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc, cần được bảo tồn và phát huy. Dù xã hội có phát triển đến đâu, có hiện đại thế nào, thì các giá trị văn hóa của lễ hội cũng luôn phải giữ được “chất” như nó vốn có, trở thành nguồn lực to lớn tác động mạnh mẽ tới đời sống tinh thần của nhân dân, từ đó khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người. Đồng thời cũng nêu cao ý thức cho con cháu trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông ta đã để lại.