Tiến sĩ ĐẶNG XUÂN PHONG
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Bước vào năm 2024 với khát vọng và thời cơ mới, bên cạnh đó là những thử thách, đòi hỏi tinh thần “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” trong toàn Đảng bộ, các tầng lớp Nhân dân như lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Sau hơn 32 năm tái lập tỉnh, phát huy truyền thống đoàn kết chính là chìa khóa để Lào Cai đánh thức sức mạnh nội sinh, khơi dậy niềm tự hào quê hương, nhân lên khát vọng trong mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân để hiện thực hóa mục tiêu đưa Lào Cai trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc; phấn đấu đến năm 2025, Lào Cai tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng Trung du, miền núi phía Bắc; đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Năm 2023, tình hình trong nước có một số thuận lợi như đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng tầm trên trường quốc tế; kinh tế vĩ mô ổn định; nhiều chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn được ban hành, đi vào cuộc sống đã tạo đà cho Lào Cai khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển. Cùng với đó, Lào Cai tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã tạo thành nguồn lực to lớn cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Lào Cai phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức: Hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19; cuộc chiến Nga – Ukraina, xung đột Israel – Hamas tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Lào Cai như giá một số nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, sản phẩm công nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ở trong nước, thị trường bất động sản trầm lắng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường nhiều sản phẩm bị thu hẹp. Ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết như khô hạn kéo dài, mưa lũ, dông lốc trên diện rộng đã tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống Nhân dân tại một số địa phương trong tỉnh.
Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần đoàn kết, nhất trí, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, sự quan tâm của Trung ương và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kinh tế – xã hội của tỉnh trong năm 2023 tiếp tục có bước phát triển khá với nhiều gam màu sáng và cán đích một số mục tiêu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,11%, cao hơn mức bình quân của cả nước (5,05%); quy mô nền kinh tế Lào Cai tăng 3 bậc so với năm 2022 (đứng thứ 3/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc); thu ngân sách trên địa bàn tăng trên 10,02% so với dự toán trung ương giao. Nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp đảm nhận tốt vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế; tư duy sản xuất hàng hóa bước đầu hình thành, lan tỏa, ngày càng có nhiều hơn sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP. Các quy hoạch quan trọng đều được triển khai đồng bộ, từ quy hoạch chung, phân khu, chi tiết. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm, nhiều dự án được tập trung đầu tư, như: Đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến thị xã Sa Pa; cầu Móng Sến, cầu Làng Giàng; nâng cấp, mở rộng các tuyến Tỉnh lộ 152, 154, 156… và nhiều tuyến giao thông kết nối khác. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ sôi động với mức tăng trưởng đạt 8,75%; công tác quản lý hoạt động xuất – nhập khẩu có nhiều đổi mới về cơ chế vận hành, tạo thuận lợi hơn cho Nhân dân, doanh nghiệp. Du lịch phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, lượng du khách đến Lào Cai lập kỷ lục mới với hơn 7,2 triệu lượt, doanh thu từ du lịch và dịch vụ du lịch đạt 22.200 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2022; huy động tín dụng tại địa bàn tỉnh đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2022, tổng dư nợ đạt 54.900 tỷ đồng, vượt 8,3% so với kế hoạch.
Với tinh thần đổi mới, phát huy truyền thống đoàn kết, đồng thuận, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, đời sống văn hóa, an sinh xã hội trên địa bàn tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả toàn diện, quy hoạch định hướng không gian công cộng, nhà ở xã hội tại các đô thị trọng điểm; đời sống Nhân dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng cao tiếp tục được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm nhanh (giảm 4,43%/năm). Công tác giáo dục – đào tạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, giáo dục truyền thống được nâng lên. Năng lực y tế được tăng cường, trong đó có sự hợp tác chặt chẽ về chuyên môn giữa các bệnh viện 2 cấp của Lào Cai với một số bệnh viện lớn tuyến Trung ương. Hoạt động văn hóa, thể thao có nhiều điểm nhấn, như Liên hoan văn nghệ chào Xuân qua biên giới; Ngày hội văn hóa Hàn Quốc tại Sa Pa; chương trình giao lưu nghệ thuật Việt Nam – Ấn Độ; giải chạy Marathon vượt núi quốc tế; giải đua xe đạp quốc tế “Một đường đua – Hai quốc gia” giữa Lào Cai (Việt Nam) với Vân Nam (Trung Quốc); Giải Bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Cup…
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành của chính quyền các cấp. Nhiều thông tin tích cực được lan tỏa kịp thời theo tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Năm qua, tỉnh đã tổ chức rất thành công chuỗi hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai (23/9/1958 – 23/9/2023), nhân dịp này tỉnh Lào Cai vinh dự được đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng nhiều lãnh đạo Trung ương đến thăm và dự các hoạt động chào mừng; tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn bè, công chúng cả nước và du khách quốc tế; tổ chức thành công Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup…
Năm 2023 cũng là năm công tác quy hoạch, sắp xếp, luân chuyển cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, không để cán bộ giữ một chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp (bao gồm cả cấp trưởng và cấp phó), nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, gắn với đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng tỉnh Lào Cai trong giai đoạn mới được Trung ương đánh giá cao và tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý được triển khai bảo đảm đúng quy trình, thực chất; kết quả đánh giá đã phản ánh khách quan uy tín của từng cán bộ, đảng viên, thể hiện sự tiến bộ của các ngành, các lĩnh vực, phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp. Công tác chính trị, tư tưởng có nhiều sáng tạo trong xây dựng và thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, nhất là việc triển khai giải pháp chấn chỉnh tình trạng “né tránh, đùn đẩy trách nhiệm” trong thực thi công vụ, đồng thời động viên, khích lệ, bảo vệ cán bộ, đảng viên phát huy tính chủ động, tinh thần 7 dám “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.
Hoạt động đối ngoại của tỉnh tiếp tục được tăng cường và mở rộng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế – xã hội. Duy trì tốt đẹp mối quan hệ giữa chính quyền và Nhân dân các địa phương giáp ranh giữa Lào Cai và Vân Nam. Nhiều đại sứ, đoàn công tác của các đại sứ quán, đại diện địa phương và doanh nghiệp nước ngoài đến thăm và làm việc, tiêu biểu như Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đại sứ Ốtxtrâylia, Đại sứ Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tăng cường kết nối và mở rộng hợp tác quốc tế thông qua các chuyến công tác của lãnh đạo tỉnh tới Ấn Độ, Canada. Cũng trong năm 2023, Lào Cai đã thành lập 2 đoàn công tác đi thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên một số đảo thuộc Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; trong chuyến thăm này, đoàn Lào Cai đã tặng tiền, quà, hiện vật với tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Chỉ đạo tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tại các địa phương huyện; công tác quân sự – quốc phòng được củng cố, tăng cường, bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển.
Thời gian tới, tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường; cơ hội đan xen với thách thức. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, một số cơ chế, chính sách của Trung ương được ban hành tiếp tục tháo gỡ khó khăn, mở đường cho các địa phương, các ngành, lĩnh vực phát triển. Đối với tỉnh Lào Cai, dự báo năm 2024, môi trường đầu tư, kinh doanh, điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh có nhiều điểm sáng rõ nét, đó là: Các quy hoạch quan trọng của tỉnh được phê duyệt và triển khai tạo động lực phát triển và thu hút đầu tư; thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi; doanh nghiệp và người dân có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng nhờ lãi suất thấp; du lịch, dịch vụ tiếp tục phát triển. Tình hình an ninh, trật tự, môi trường xã hội tiếp tục an toàn; các chính sách phát triển của tỉnh đang nhận được đồng thuận, ủng hộ cao của các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp; truyền thống đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh, các cấp chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục được phát huy.
Bước sang năm Giáp Thìn 2024, nhiệm vụ đề ra là rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền và hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, cần bám sát chủ đề của năm là “Đoàn kết – kỷ cương – hành động – hiệu quả – phát triển”, trong đó “đoàn kết” được coi là nền tảng, điều kiện tiên quyết, mang tính quyết định, dẫn hướng. “Đoàn kết” để tạo nguồn sức mạnh nội sinh, đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, nhất là những nội dung đã được xác định trong Nghị quyết lãnh đạo của Tỉnh ủy trong năm 2024. Với “kỷ cương” là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ. Gắn với “kỷ cương” là thực hiện đồng bộ các giải pháp như tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm kiểm soát quyền lực. Thực hiện “kỷ cương” nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là các lĩnh vực trọng điểm, dễ xảy ra sai phạm như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công… Thực hiện “kỷ cương” cũng là hướng tới công tác phối hợp, bảo đảm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” như thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Kỷ cương” còn là việc khắc phục “tình trạng đùn đẩy, né tránh, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng”. Tiếp tục phát đi thông điệp về tinh thần “7 dám” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp. Kiên quyết trong xử lý, đưa ra khỏi hệ thống các trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.
Năm 2024, với khí thế mới, tinh thần đổi mới, sáng tạo từ tư duy đến hành động, tạo ra sự thống nhất, thông suốt trong toàn hệ thống. Tỉnh ủy luôn coi trọng, khuyến khích cá nhân, tập thể “hành động” với sự gương mẫu, tự giác, trách nhiệm như Bác Hồ hằng mong muốn: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Tinh thần “hành động” ở đây là sự xung phong, chủ động “dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Phương châm “hành động” trong năm 2024 được tỉnh tập trung đẩy mạnh là công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư sản xuất – kinh doanh, khắc phục bằng được các “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách, về mặt bằng và về hạ tầng.
Về “Hiệu quả”, các cấp, các ngành cần tiếp tục tạo sự thống nhất trong quan điểm lãnh đạo của Tỉnh ủy là mọi mặt công tác cần lấy hiệu quả thực chất làm thước đo, lấy kết quả thực tế để đánh giá sự chuyển biến. “Hiệu quả” quản lý, điều hành cần được đánh giá bằng kết quả công việc, bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đây vừa là thước đo, vừa là mục tiêu, cũng là động lực phấn đấu. Và trong tất cả những cấu thành đó là sự “phát triển”, là đích cao nhất, lớn nhất, toàn diện nhất, là “trái ngọt” của quá trình nỗ lực từ tư duy đến hành động.
Cùng với thực hiện chủ đề, nhiệm vụ có tính hàng đầu, xuyên suốt của năm 2024 là tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đề cao đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền gắn với đổi mới tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Để phát triển bền vững, cần tiếp tục lấy văn hóa làm nền tảng, tạo động lực, môi trường cho phát triển kinh tế. Gắn với đó là tăng cường chăm sóc sức khỏe Nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết việc làm. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ đối tượng yếu thế, quan tâm đời sống Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng cao.
Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường, củng cố, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biên giới quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Coi trọng việc mở rộng quan hệ đối ngoại với các địa phương trong nước, nước ngoài, các doanh nghiệp lớn, tập đoàn, các tổ chức quốc tế; quan tâm thu hút nguồn lực đầu tư để khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của tỉnh vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.