Ai cũng nhớ câu mà nhân vật Ngọc Hoàng trong “Táo quân” của anh đã nói: “Không làm gì mà vẫn giàu chỉ có đi lừa đảo”. Ờ ha. Vẫn cái dáng tưng tửng, Quốc Khánh luôn gây cười bất ngờ ở một câu nói buông ra đúng lúc. Khán giả vỗ tay khoái trá. Còn anh mặt lạnh băng.
Kẻ cô đơn kỳ dị
Thiên hạ tò mò muốn biết vì sao kẻ lãng tử đầy chất nghệ như Quốc Khánh mà mãi vẫn lẻ bóng cô đơn. Nếu nghe ai chia sẻ nỗi cô đơn, Quốc Khánh luôn cãi lấy được – “Cô đơn đâu? Tôi luôn thấy vui đấy chứ! Một mình chả đụng chạm ai, vui như tết”. Anh luôn bỏ ngoài tai những muộn phiền và toan tính. Mọi người luôn thấy anh mỉm cười bên ly cà phê.
NSND Quốc Khánh.
Ngẫm ra anh bất cần đời thì phải, chả ngó ngàng tới cô nào cho đến nơi đến chốn. Anh dành nhiều thời gian rỗi bên bàn bi-a và hút thuốc lá. Anh luôn đi vòng quanh rít thuốc chán rồi mới bắn một phát vào trái bóng gỗ. Khi ấy đố ai gọi anh đi đâu được. Bàn việc, phân vai hay ký hợp đồng làm phim, ai cần Quốc Khánh cứ mò tới bàn bi-a.
Quốc Khánh lỳ, ít nói ở ngoài đời nhưng cũng hay quậy bất ngờ. Thậm chí ở Nhà hát Kịch Việt Nam, anh còn mang biệt danh “Khánh quậy” thì đủ biết chất quậy ngầm của anh thế nào. Nhưng lại trái khoáy ở chỗ Quốc Khánh chỉ thích mầu hồng như phụ nữ. Đến nhà mới hay phòng riêng của anh cái gì cũng sáng láng hồng tươi. Thế đó.
Quốc Khánh còn mê câu cá nữa. Giết thời gian ư? Không, anh luôn cãi rằng ngồi câu để suy nghĩ. Hỏi nghĩ gì, anh nói tìm điểm nổ trên sân khấu. Anh phân bua đã chẵn hai mươi năm đóng vai Ngọc Hoàng vào cuối năm. Các vai táo luôn náo loạn làm trò cho khán giả cười. Ngọc Hoàng thì suốt ba tiếng đồng hồ chả lẽ chỉ đứng im, ngồi lì một chỗ à. Phải nghĩ mình diễn gì bắt các táo im lặng để mình nổ một phát cho vui chứ. Đấy! Trò đi câu lắm lúc nghĩ sâu ra phết. Quốc Khánh lại nhếch môi cười. Gương mặt da ngăm tự dưng làm bộ nhăn nhó tối sầm lại như khi bị tắt điện trên sân khấu.
Thú vị nhất là trang phục anh luôn chơi “bò cả cây” cho sung. Giả vờ cho ”hoành tráng” chứ Quốc Khánh hiền như đất. Những nghệ sĩ cùng lớp với anh (niên khóa 1978-1982) như Trung Anh, Trọng Trinh, Lan Hương… đều được phong danh hiệu NSND từ khá sớm. Còn anh cứ dửng dưng tỏ bất cần đời. Kệ. Cái gì tới thì mình đón nhận. Chả nên toan tính làm gì. Tất cả dồn vào cây gậy bi-a hay chiếc cần câu dưới ánh trăng.
Riêng chuyện lấy vợ thì Quốc Khánh thấy phiền hà nhất. Nào là người nhà thúc, nhất là sinh thời khi mẹ anh ngày nào cũng nhắc, nào là bạn đồng nghiệp giục giã. Mệt vì trả lời mãi cũng phát cáu. Sau không ai muốn làm phiền anh nữa. Hóa ra sự quan tâm tới nhau cũng không dễ. Bẵng đi một thời gian, ai nhìn anh cũng đều thông cảm nhưng đành im nói lảng sang chuyện khác.
Vậy mà hôm cả Nhà hát chia tay Quốc Khánh về hưu (11/2022), tất cả mọi người đồng thanh hô vang “Chúc anh Khánh lấy vợ”. Quốc Khánh sững người, mặt tái xanh. Tưởng anh lại nổi xung nhưng bất ngờ anh mỉm cười buông một câu: “Tùy duyên”. Thế là mọi người cười rộ lên vì màn diễn tưng tửng của anh hiện ra. Anh ôm hoa đi trong tiếng vỗ tay rần rần. Ra tới ngoài hội trường anh mới hô thật lớn: “Tự do muôn năm!”.
Vậy đó. Nói tới chuyện lấy vợ khó lay chuyển được Quốc Khánh. Có đêm anh lại đi câu và ngẫm cái sự đời cũng chả êm ả gì. Thực vậy, trong cái sự lãng du của một nghệ sĩ tài hoa như anh luôn đậm đà cảm xúc bất thường. Một nỗi cô đơn trầm lặng bỗng nhiên biến hóa kỳ ảo trên sân khấu. Và chỉ có sân khấu mới làm anh trở nên trẻ trung và lãng mạn cùng ánh sáng huyền ảo. Ở đó anh luôn có những chi tiết độc đáo và bất ngờ với cả chính mình.
Khoảng trống vô ngôn bí ẩn
Không chỉ với vai Ngọc Hoàng của Quốc Khánh ít câu thoại mà khá nhiều vai khác anh luôn đồng hiện trong im lặng của mỗi phân cảnh. Đúng như chiến thuật chạy không bóng của một trận cầu. Khi không có bóng, cầu thủ phải chuyển động ra sao trên sân cỏ để chờ thời cơ săn bàn. Trên sân khấu cũng vậy, diễn viên luôn phải sống với nhân vật khi không thoại. Tuy luôn chỉ lắng nghe trong im lặng nhưng vẫn phải thể hiện cảm xúc của nhân vật. Đó chính là thần thái của một vai diễn sống động. Bởi lẽ khán giả luôn kiểm soát cảm xúc tổng thể sân khấu. Một thoáng chểnh mảng sẽ làm phân tán người xem.
Nghệ sĩ Quốc Khánh luôn diễn “câm” như vậy trong suốt hai mươi mùa “Gặp gỡ cuối năm” trong vai Ngọc Hoàng. Anh biết gìn giữ cảm xúc đi cùng với phân cảnh và vai diễn để chờ thời điểm bật lên một tiếng nói để đời. Với anh, mỗi nhân vật luôn có một màu riêng khó lẫn với ai. Quốc Khánh thể hiện sắc nét cá tính nhân vật với sự ngưng ngắt ngữ điệu của câu thoại gây ấn tượng sâu đậm. Đặc biệt chất liệu hài hước trong nhiều vai diễn của anh rất tự nhiên.
Bộ ba Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu làm nên linh hồn Táo quân ngày Tết.
Có thể nói nghệ sĩ Quốc Khánh là một trong những diễn viên hài hàng đầu trong hàng loạt kịch mục “Gặp gỡ cuối tuần” từ năm 2002. Rồi sau đó mới tới chương trình “Táo quân” mà anh đóng vai Ngọc Hoàng từ năm 2004 tới nay. Quốc Khánh có biệt tài “diễn như không diễn” tưng tửng như ngoài đời vậy. Ngoảnh lại 40 năm, Quốc Khánh luôn cháy hết mình trên sân khấu và phim trường. Anh cũng là trường hợp được mời đóng phim khá sớm trước khi tốt nghiệp khóa kịch nói (1982). Thậm chí Quốc Khánh đóng phim nhiều đến nỗi khán giả bỗng như quên anh là diễn viên sân khấu kịch.
Từ khi tham gia phim đầu tiên “Đứa con người lính” (1980) tới nay Quốc Khánh đóng tới hơn 40 phim (cả lĩnh vực điện ảnh lẫn truyền hình). Trong đó không ít bộ phim truyền hình nhiều tập. Ngỡ tưởng anh chỉ chuyên đóng những vai gây cười cho khán giả nhưng bất ngờ anh đột phá khi đóng vai anh Gù trong phím “Áo lụa Hà Đông” (2006). Một nhân vật lạ lùng của Quốc Khánh tạo ấn tượng khác biệt và làm xúc động lòng người. Đó là một cuộc sống sâu sắc về nội tâm của nhân vật Gù của Quốc Khánh.
Chính với nghệ thuật diễn “vô ngôn” của Quốc Khánh đem lại hiệu quả truyền cảm trĩu nặng tâm can về số phận con người. Từng chi tiết đã được anh chọn lọc cùng với sự thể hiện bật sáng tâm lý ẩn ức và cay đắng của nhân vật. Do biết tiết chế và nuôi dưỡng ý tưởng cho vai diễn nên Quốc Khánh đã dựng hình tượng nghệ thuật với vẻ đẹp long lanh. Vai Gù của anh mang niềm hy vọng trong xanh và nỗi buồn lắng đọng ẩn giấu trong tâm hồn. Đây cũng là vai diễn đã đem lại Giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan phim toàn quốc 2006.
Ngẫm kỹ mới thấy cách diễn trên sân khấu của Quốc Khánh rất hợp với phim trường. Cái gốc là nghệ thuật hóa thân và ít cách điệu trong ngôn ngữ sân khấu của anh. Sự biểu cảm trên nét mặt vừa đủ với diễn biến tâm trạng làm cho nhân vật của Quốc Khánh không bị cường điệu. Nhưng anh lại gây bất ngờ trong tiết điệu chuyển động cơ thể cùng lời nói tạo ra cá tính vai diễn. Anh luôn thành công trên sân khấu là vì thế. Nghệ sĩ Quốc Khánh từng đoạt nhiều huy chương trong các kỳ hội diễn sân khấu toàn quốc qua hàng chục vai diễn.
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Khi được nhận danh hiệu NSND vào tuổi đã về hưu, Quốc Khánh coi đây là niềm vui lớn trong cuộc đời mình. Phần thưởng cao quý này đúng với căn ở tuổi Nhâm Dần của anh được hưởng phúc hậu vận. Không biết có phải vì thế mà anh sẽ lấy vợ muộn và hạnh phúc trọn đời. Hy vọng là thế. Riêng chuyện anh thích màu hồng cũng bởi lẽ tự nhiên. Đó là mệnh trong anh mong muốn tương sinh (Hỏa sinh Thổ) luôn được khỏe mạnh bình an.
Quốc Khánh làm chủ số phận trời ban và không tỏ ra ham hố gì. Anh luôn nhớ niềm vui mỗi khi trở lại Nhà hát, hầu hết con cái của đồng nghiệp luôn chào “bố Khánh” thân thương. Còn bao niềm vui đang chờ đón phía trước. Anh chờ niềm vui như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết trong sự cô đơn bất tử rằng: “Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy/Để mắt em cười tựa lá bay/Và như thế tôi sống vui từng ngày”.