Bà Phạm Thị Luyện (sinh năm 1966, ở thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng) đã có 19 năm 9 tháng tham gia đóng BHXH cho đến khi nghỉ hưu. Được nhân viên BHXH huyện Bảo Thắng tư vấn, bà tiếp tục đóng gộp 1 lần 3 tháng để đủ thời gian tham gia BHXH và đủ điều kiện nhận lương hưu. Hiện bà đang hưởng mức lương hưu 2,5 triệu đồng/tháng.
Bà Phạm Thị Luyện tâm sự: Tôi rất phấn khởi vì lương hưu giúp chủ động tài chính chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày. Tôi vui vì công sức tích góp của mình đã được đền đáp. Đặc biệt, giá trị nhất là tấm thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh với quyền lợi được hưởng lên tới 95% từ nay đến hết đời.
Bà Đỗ Thị Lan (thị xã Sa Pa) có hơn 10 năm tham gia BHXH khi làm công nhân cho một doanh nghiệp tại địa phương. Hết tuổi lao động, tính ra bà còn thiếu gần 10 năm tham gia BHXH mới được nhận lương hưu. Cũng nhờ tính ưu việt của chính sách BHXH nên bà được đóng gộp 1 lần cho thời gian còn thiếu để nhận lương hưu. Với mức lương 2,2 triệu đồng/tháng, đây là nguồn tài chính rất quan trọng và cần thiết để bà cùng gia đình trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và chăm lo cho con cháu…
Khi hết tuổi lao động, lương hưu có ý nghĩa quan trọng, bởi đó là nguồn tài chính để chi trả cho những nhu cầu sống cơ bản. Mức hưởng lương hưu không phải cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Tính riêng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng với các mức điều chỉnh tương ứng: 8% (năm 2016); 7,44% (năm 2017); 6,92% (năm 2018); 7,19% (năm 2019); 7,4% (năm 2022) trên mức lương hưu hiện hưởng. Riêng năm 2023, theo Nghị định số 42 của Chính phủ, từ ngày 1/7, tăng thêm 12,5% đến 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023.
Việc thường xuyên điều chỉnh mức hưởng lương hưu, trợ cấp đã và đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với người lao động sau khi về hưu.
Nếu trước kia chỉ những người công tác trong cơ quan Nhà nước mới được nhận lương hưu thì hiện nay, nhờ sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, tất cả người lao động tự do đều có cơ hội được nhận lương hưu khi tham gia loại hình BHXH tự nguyện. Chính sự ưu việt của loại hình BHXH này nên hiện nay có rất nhiều người đã tham gia để được nhận lương hưu khi về già.
Tính đến hết tháng 9/2023, Lào Cai có 61.171 người tham gia BHXH bắt buộc, 8.599 người tham gia BHXH tự nguyện và 53.212 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Mỗi tháng, BHXH tỉnh chi trả cho hơn 24.166 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH với số tiền 118,9 tỷ đồng/tháng.
Đối với những người tham gia BHXH khi đủ quy định được hưởng lương hưu sẽ được Nhà nước bảo đảm phần tài chính hằng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nên khi ốm đau sẽ được chăm lo về sức khỏe với mức hưởng 95%. Khi không may qua đời thì thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất và mai táng phí.
Để tiếp tục vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh phối hợp với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, huy động sự vào cuộc của các sở, ngành, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho BHXH các huyện, thị xã, các tổ chức dịch vụ thu… nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, viên chức của ngành trở thành một tuyên truyền viên chủ lực trong công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT; Rà soát dữ liệu của người tham gia BHXH, BHYT phân loại khách hàng tiềm năng để tập trung khai thác; tăng cường và nâng cao chất lượng tư vấn, góp phần lan tỏa chính sách an sinh xã hội này đến người dân; tổ chức các gian hàng tư vấn chính sách BHXH tự nguyện tại Hội chợ Xuân, Chợ tết Công đoàn, Lễ hội đền thượng…
Khi không có nguồn thu nhập ổn định, không nơi nương tựa sẽ khiến nhiều người, đặc biệt là những người lao động tự do phải đối mặt với rủi ro trong cuộc sống lúc tuổi cao, sức yếu. Vì vậy, tham gia BHXH sẽ giúp mọi người có một “tấm thẻ an sinh” khi về già và có thẻ bảo hiểm y tế đề phòng khi đau ốm.