Dự Lễ kỷ niệm, có các đồng chí: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Nguyễn Hữu Vạn, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố trong nước; đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp.
Về phía tỉnh Lào Cai, có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lào Cai qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đông đảo nhân dân và du khách.
Dự Lễ kỷ niệm có Đại sứ quán các nước: Ấn Độ, Belarus, Pháp, Lào, Thái Lan, Trung Quốc tại Việt Nam; lãnh đạo châu Văn Sơn, huyện Hà Khẩu, huyện Bình Biên (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), tỉnh Bò Kẹo (Lào); các cơ quan, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài đến từ Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc.
Du lịch Sa Pa tỏa sáng
Trình bày diễn văn Kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sa Pa xưa là cao nguyên Lồ Suối Tủng, thuộc trại Ngòi Bo, sau là tổng Hướng Vinh, châu Thủy Vĩ, tỉnh Hưng Hóa. Cách đây 120 năm, vào mùa đông năm 1903, đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ đã khám phá ra cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Đoàn thám hiểm đã đặt tên cho cao nguyên và ghi danh vào bản đồ là “Cao trạm Sa Pa”. Sự kiện này trở thành dấu mốc lịch sử phát hiện ra Sa Pa.
Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, du lịch Sa Pa đã có bước phát triển vượt bậc, từ một thị trấn nhỏ vùng cao đã được khẳng định, định vị trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
“Để có được một Sa Pa phát triển như hôm nay, trên cơ sở xác định những tiềm năng và lợi thế so sánh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lào Cai nói chung, Sa Pa nói riêng trong nhiều nhiệm kỳ qua đã luôn xác định Sa Pa không chỉ là trọng điểm du lịch của tỉnh mà còn là Khu du lịch quốc gia, vươn tầm quốc tế; luôn chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, lấy cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa làm động lực; tính thích ứng và sự năng động làm đột phá để vươn lên, hướng đến phát triển xanh bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường khẳng định.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định phát triển du lịch là 1 trong 2 lĩnh vực đột phá, phấn đấu đến năm 2030, du lịch Lào Cai là ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá, tạo tiền đề đến năm 2050 trở thành ngành kinh tế chủ đạo, quan trọng, là động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong đó, Khu Du lịch quốc gia Sa Pa được định hướng phát triển toàn diện, đồng bộ, trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc gia tầm cỡ quốc tế, với hạ tầng, dịch vụ đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, phong phú, chất lượng cao, có thương hiệu, hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế. Những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra đang được hiện thực hóa. Điều này thể hiện rất rõ trong những năm gần đây, du lịch Sa Pa có bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng.
“Hành trình 120 năm du lịch Sa Pa đã làm nên những điều kỳ diệu và sẽ không dừng lại, với mong ước viên ngọc quý Sa Pa sẽ tiếp tục được tỏa sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Với sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tin tưởng rằng, sẽ xây dựng Sa Pa không chỉ là khu du lịch, nghỉ dưỡng quốc gia tầm cỡ quốc tế mà còn là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh Lào Cai, cầu nối giao lưu văn hóa vùng Tây Bắc với khu vực và quốc tế”, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường khẳng định.
Tiến bước trên hành trình trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: Từ một vùng núi non hiểm trở, hoang sơ, được Đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương phát hiện vào cuối năm 1903, qua bàn tay, khối óc dựng xây đã trở thành điểm du lịch với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, bềnh bồng trong mây; núi thì tuyệt đỉnh, sông thì đầu nguồn và tài nguyên khí hậu trong lành, mát mẻ, mang sắc thái đa dạng. Sa Pa đang tiến bước trên hành trình trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế, với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, điểm giao lưu văn hóa khu vực Trung du, miền núi phía Bắc.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước đang và sẽ tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách đột phá để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.
Tiếp tục quan tâm dành nguồn lực công và huy động nguồn lực xã hội để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển không gian văn hóa; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, chú trọng phát triển các tiện ích số nhằm hướng tới phát triển hệ sinh thái du lịch Sa Pa thông minh.
Cùng với hoàn thành dự án đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi Sa Pa, Cảng Hàng không Sa Pa và các hạ tầng du lịch khác sẽ được ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với Sa Pa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân.
Đồng chí Phó Thủ tướng lưu ý, ở một góc nhìn khác, việc phát triển du lịch Sa Pa cũng tạo ra áp lực lớn lên tài nguyên tự nhiên, nếu không giải quyết hài hòa sẽ làm cạn kiệt, mai một, thậm chí mất đi những giá trị thiên nhiên, văn hóa đặc sắc đã làm nên thương hiệu của du lịch Sa Pa.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, trong quá trình phát triển du lịch Sa Pa, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Lào Cai cần cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng tới một Sa Pa phát triển bền vững, hài hoà và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Thực hiện nguyên tắc phát triển đi đôi với bảo tồn; coi giá trị, cảnh quan thiên nhiên, văn hoá, bản sắc kiến trúc là cốt lõi; cộng đồng các dân tộc Sa Pa vừa là chủ thể, mục tiêu, động lực và là người thụ hưởng thành quả từ phát triển.
Chú trọng chuyển đổi xanh trong du lịch, phát triển các loại hình du lịch dựa vào hệ sinh thái; phát huy giá trị văn hoá bản địa để thúc đẩy kinh tế du lịch, lấy kinh tế du lịch làm nền tảng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá bản địa. Đây chính là thế mạnh riêng có của Sa Pa và cũng là xu thế chung, tất yếu của thế giới.
Xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững. Mỗi người dân Sa Pa sẽ trở thành một sứ giả về văn hóa; mỗi du khách khi đến với Sa Pa đều có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan bởi đó chính là nguồn sống của hôm nay và mai sau. “Tôi mong muốn chúng ta hãy hành động ngay, bắt đầu bằng việc rất đơn giản là khi chương trình này kết thúc, hãy cùng nhau thu dọn sạch rác trước khi ra về”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị.
Nhanh chóng chuyển đổi số, hướng tới mô hình quản trị hiệu quả, ứng dụng công nghệ để truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Sa Pa ra thế giới; tạo ra không gian mới cho phát triển du lịch, giảm thiểu tác động đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, các hệ sinh thái, các di sản. Chú trọng quảng bá du lịch Sa Pa qua các tác phẩm, loại hình nghệ thuật, đặc biệt là văn học, nhiếp ảnh, điện ảnh.
Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, giữa các loại hình, sản phẩm du lịch, tạo thành chuỗi điểm đến, trong đó Khu Du lịch quốc gia Sa Pa phải là động lực, thu hút du khách đến với các điểm đến trên tuyến và ngược lại, các điểm đến này cũng tạo nên sức hút chung cho du lịch Sa Pa.
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là trang bị kỹ năng, hình thành tư duy làm du lịch chuyên nghiệp cho đồng bào các dân tộc Sa Pa, bởi chính họ làm nên sức hút và sự đặc sắc của du lịch Sa Pa.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ, xây dựng cơ chế để thu hút nguồn lực về vốn, nguồn nhân lực nhằm đầu tư, phát triển chuỗi giá trị du lịch Sa Pa một cách bền vững.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; bằng sự năng động, sáng tạo, quyết tâm cao của cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, du lịch Sa Pa nói riêng và du lịch Lào Cai nói chung sẽ trở thành điểm đến của “du lịch thiên nhiên, bản sắc văn hóa, thể thao mạo hiểm hàng đầu Việt Nam và khu vực; nơi du khách sẽ có được trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình”.
Sa Pa diệu kỳ
Điểm nhấn tại Lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa là Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Sa Pa diệu kỳ”, bao gồm 3 chương: “Sa Pa kỳ vỹ linh thiêng”, “Diệu kỳ miền đất sương mây” và “Sa Pa – Kết nối khát vọng xanh” cùng 15 cảnh diễn, với sự tham gia của 200 diễn viên chuyên nghiệp, 400 diễn viên quần chúng. Trong đó, các ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng, như Trọng Tấn, Sèn Hoàng Mỹ Lam, Ngô Hồng Quang, Quách Beem, Minh Hằng, Minh Hải, Vũ Hiền, nhóm FB Boiz… trình diễn nhiều ca khúc nổi tiếng gắn liền với hình ảnh Sa Pa. Chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng, đan xen giữa nội dung nghệ thuật và các sự kiện gắn với hành trình chuyển mình của Sa Pa từ một Trạm nghỉ dưỡng trở thành Khu Du lịch quốc gia mang tầm quốc tế.
Xuyên suốt Chương trình nghệ thuật đặc biệt, du khách được tìm hiểu về một Sa Pa ẩn chứa những điều diệu kỳ. Đặc biệt, lần đầu tiên các hình thức diễn xướng tổng hợp (ca, múa, nhạc, diễn xướng dân gian, hoạt cảnh, diễn kịch hình thể, hiệu ứng cổ động…) được biểu diễn trên sân khấu đa không gian, đa chiều, đa tầng. Bên cạnh lấy cảm hứng từ chất liệu âm nhạc dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Dao đỏ, Xa Phó, Giáy, Mông) đại diện cho 5 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông và mùa yêu ở Sa Pa để tôn vinh những giá trị bản sắc văn hóa đậm tính nhân văn thì việc đưa âm hưởng đương đại vào chương trình cũng mang đến sự hấp dẫn, mới mẻ phù hợp với từng nhịp sống Sa Pa hiện đại.
Lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa kết thúc bằng màn pháo hoa tầm thấp rực rỡ sắc màu, mang lại sự thú vị, mãn nhãn đối với du khách và người dân.