Tư duy lạc hậu trong nếp sống, phương thức sản xuất của người dân ở vùng nông thôn Lào Cai đã tiến bộ từ chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
Nhiều năm trước, đến xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa), người ta cảm nhận vùng đất này đẹp nhưng nghèo. Dù được thiên nhiên ban tặng khí hậu trong lành, mát mẻ, rừng núi điệp trùng với hàng trăm loài thực vật quý hiếm, nhất là những cây thuốc đa tác dụng dùng chữa bệnh và chăm sóc sắc đẹp, nhưng đồng bào Dao đỏ nơi đây vẫn nghèo với cuộc sống khép kín tự sản, tự tiêu.
Bước ngoặt của Tả Phìn bắt đầu từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai. Các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật được mở, các mô hình kinh tế mới được đưa về đã làm thay đổi tư duy của người dân. Từ chỗ chỉ biết khai thác nguồn lợi sẵn có, người dân đã bảo nhau đưa cây thuốc về trồng trong vườn nhà, rồi cùng nhau thành lập hợp tác xã. Giờ đây, những bài thuốc quý của người Dao đỏ đã vươn xa, giúp nhiều hộ làm dược liệu có cuộc sống khá giả.
Ban đầu chỉ có sản phẩm thuốc tắm được thương mại hóa, đến nay người dân Tả Phìn đã cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm mới: Thuốc tắm phụ nữ sau sinh, thuốc tắm trẻ em, thuốc ngâm chân túi lọc, thuốc ngâm chân chai nước, xà phòng dược liệu, tinh dầu ngải cứu, cao xoa bóp xương khớp.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 163 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó 26 sản phẩm 4 sao, 144 sản phẩm 3 sao.
Toàn tỉnh hiện có vùng dược liệu hơn 3.600 ha, diện tích chè đạt 7.500 ha, diện tích chuối hơn 2.000 ha, dứa 2.100 ha, quế 57.000 ha… với 26 dự án đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến nông sản; duy trì hơn 180 hợp tác xã nông nghiệp, nhiều hợp tác xã đã phát huy vai trò trong sản xuất hàng hóa. Đây là điểm nhấn tạo đột phá trong sản xuất, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, đưa các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.
Không chỉ thay đổi về tư duy sản xuất, chương trình xây dựng nông thôn mới còn giúp người dân chung sức xây dựng công trình cộng đồng. Bởi thế, có hàng nghìn hộ hiến đất làm nhà văn hóa, trường học, đường giao thông…
Thôn Khe Bàn, xã Tân An (Văn Bàn) có 131 hộ. Trước đây, tuyến đường trục thôn nhỏ, hẹp, trơn trượt, việc đi lại và vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2019, khi được chính quyền vận động, tuyên truyền thấu tình, đạt lý, hơn 50 hộ 2 bên đường đồng thuận hiến đất, tuyến đường trục thôn dài hơn 3 km đã được mở rộng và đổ bê tông. Gia đình ông Đặng Toàn Sếnh là một trong những hộ điển hình hiến đất mở đường của thôn. Gần đây nhất, gia đình ông Sếnh hiến hơn 100 m2 đất và hơn 200 cây quế phục vụ việc mở rộng đường thôn.
Tại xã Phú Nhuận, sau khi “về đích” nông thôn mới, cấp ủy đảng và chính quyền tiếp tục vận động các thôn mở rộng đường giao thông. Ban đầu, việc vận động khó khăn vì mở rộng đường sẽ khiến nhiều hộ mất đất trồng rừng, ao nuôi cá, phải đập bỏ hàng rào và các công trình kiên cố mà không được đền bù. Nhưng khi hiểu rõ lợi ích mở rộng đường là để phục vụ chính nhu cầu đi lại, giao thương, người dân đã đồng lòng làm theo.
Đến nay, xã Phú Nhuận đã mở rộng đường từ 4,2 m lên 6 m với chiều dài 35 km. Ngoài ra còn đổ bê tông mặt đường rộng từ 3 m lên 4 m được hơn 15 km.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, đến nay thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng là 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh có 62/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh giảm được 9.770 hộ nghèo, giảm 1.071 hộ cận nghèo; tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 7%/năm. Hết năm 2022, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 31 triệu đồng/người/năm.
Đến nay, 100% xã có đường giao thông được rải nhựa hoặc đổ bê tông đến trung tâm xã; 100% thôn, bản có đường tới trung tâm thôn với khoảng 98% thôn, bản có đường đi lại thuận tiện bốn mùa. Có 112/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí điện, có 70/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí trường học, 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới về cơ sở vật chất văn hóa…
Cùng với kinh tế, chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển. Môi trường nông thôn có chuyển biến đáng kể, nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường nông thôn, cải tạo cảnh quan môi trường gắn với phát triển du lịch cộng đồng được chú trọng.
Ông Đỗ Xuân Thủy, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh khẳng định: Việc xây dựng nông thôn mới đang chuyển biến mạnh mẽ từ “lượng” sang “chất”. Thời gian tới, cần đổi mới phương thức truyền thông, đa dạng nội dung tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, thay đổi tư duy của người dân, giúp người dân nhận thức sâu sắc về vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, tự giác, chủ động, hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới.