Với tổng diện tích hơn 780 ha, chè là loại cây trồng chủ lực được nông dân xã Thanh Bình (huyện Mường Khương) chú trọng. Do nắng hạn kéo dài, đến hết tháng 5/2023, sản lượng chè búp tươi của xã Thanh Bình mới đạt hơn 1.200 tấn. Từ tháng 6 đến nay, nhờ có mưa, cây chè được cung cấp đủ nước, nông dân xã Thanh Bình đã tập trung chăm sóc, giúp cây chè phục hồi, sản lượng tăng đáng kể. Tính đến nay, nông dân xã Thanh Bình đã thu hoạch được hơn 5.000 tấn chè búp tươi, thu về khoảng 40 tỷ đồng.
Trung bình mỗi năm người dân trên địa bàn xã thu hoạch hơn 8.000 tấn chè búp tươi. Sản xuất chè mang lại nguồn thu ổn định cho hơn 500 hộ trên địa bàn xã, có hộ thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có hơn 7.533 ha chè, trong đó 5.082 ha chè kinh doanh; sản lượng 6 tháng đầu năm đạt 20.599 tấn, giá thu mua chè bình quân hơn 8.000 đồng/kg, giá trị sản xuất từ đầu năm đến nay ước đạt 165 tỷ đồng.
Với sản lượng khai thác hằng năm đạt hơn 150.000 tấn cành, lá và hơn 77.000 tấn vỏ, hơn 300 tấn tinh dầu, trung bình mỗi năm người dân huyện Bảo Yên có thể thu về từ cây quế khoảng 1.200 tỷ đồng. Tại địa phương này có 3 nhà máy chế biến tinh dầu quế quy mô lớn và nhiều cơ sở sơ chế vỏ quế, sản xuất tinh dầu quy mô nhỏ giúp người dân yên tâm sản xuất.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Bảo Yên, quế là loại cây lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Huyện đang quy hoạch phát triển vùng trồng, tránh phát triển ồ ạt, xâm lấn vào diện tích rừng khác. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư, chủ động “đón” doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu sản phẩm từ quế. Địa phương đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn huyện có khoảng 30.000 ha quế, trong đó phấn đấu xây dựng 15.000 ha quế hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, đưa các sản phẩm từ quế Bảo Yên vươn ra thị trường thế giới.
Phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ không chỉ giúp nông dân huyện Bảo Yên mà còn giúp nông dân các địa phương khác trong tỉnh như Bảo Thắng, Bắc Hà, Văn Bàn… có nguồn thu ổn định.
Ngoài ngành hàng chè, quế tạo sự khởi sắc cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, các ngành hàng chủ lực khác như chuối, dứa, dược liệu, chăn nuôi cũng có sự phát triển, giúp ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 4,95% trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, sản lượng cây dược liệu đạt 6.529 tấn, giá trị hơn 160 tỷ đồng; sản lượng chuối đạt 30.860 tấn, giá trị 247 tỷ đồng; sản lượng dứa đạt hơn 35.000 tấn, giá trị 140 tỷ đồng; sản lượng thịt hơi đạt 24.230 tấn, mang lại giá trị 1.430 tỷ đồng…
Năm 2023, ngành nông nghiệp phấn đấu giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 1,3 lần (tức tăng 1.000 tỷ đồng) so với năm 2022, chiếm khoảng 52% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Trong những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp tập trung phát triển các vùng sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm chế biến sâu để tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu. Phát triển đàn lợn theo quy mô công nghiệp tại khu vực vùng thấp; phát triển đàn lợn đen bản địa để tạo ra các sản phẩm đặc hữu đối với khu vực vùng cao. Ưu tiên sử dụng lồng ghép, tranh thủ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ phát triển sản xuất và tiếp tục thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, triển khai thực hiện đề án, chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa mục đích.