Cụ Trần Văn Nỏ, dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên tại xã Cam Đường, huyện Bảo Thắng (nay là thành phố Lào Cai). Cụ là người đầu tiên phát hiện ra quặng apatit và vinh dự được gặp Bác Hồ vào năm 1958. Mỗi lần nhắc về cụ Nỏ, các thế hệ trong gia đình của cụ đều rất đỗi tự hào.
Những ngày này, gia đình bà Trần Thị Nhì, 95 tuổi, ở thôn Làng Dạ, xã Cam Đường (thành phố Lào Cai) lại bận rộn hơn vì bà con trong thôn, khách đến hỏi thăm, trò chuyện. Cụ Trần Văn Nỏ có 4 người con (3 gái, 1 trai) thì bà Nhì là người duy nhất còn sống.
Nhắc về cụ Trần Văn Nỏ, mọi người trong gia đình đều tự hào, kể lại câu chuyện “huyền thoại” về cụ. Năm 1924, chàng thanh niên tuổi ngoài đôi mươi Trần Văn Nỏ lên rừng đào củ mài. Sau khi đào được đã lấy mấy viên đá kê làm bếp nướng củ mài thì bất ngờ phát hiện ngọn lửa xanh khác thường. Vì quá sợ hãi, cho rằng “có ma ám”, cụ bỏ chạy thục mạng ra khỏi rừng. Sự việc lạ đó được cụ Nỏ báo cho lý trưởng và được trình báo lên quan Tây. Sau đó, các nhà địa chất Pháp đã tới khảo sát những “hòn đá lạ” và cho biết ngọn lửa xanh lét mà cụ Nỏ nhìn thấy năm nào là do quặng apatit tạo ra. Trải qua những giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước và của tỉnh, quặng apatit được khai thác để chế biến phân bón, phục vụ nền sản xuất nông nghiệp của đất nước.
Ở độ tuổi gần bách niên, bà Nhì không còn nhớ được nhiều nữa nhưng ký ức về cha mình là người rất gần gũi, hiền lành, thật thà thì bà không bao giờ quên. Mặc dù sau này được các cấp, các ngành vinh danh nhưng cụ vẫn sống rất bình lặng, giản dị.
Chỉ tay lên tường, nơi treo bức ảnh cha mình chụp với Bác Hồ, bà Nhì rơm rớm nước mắt: “Đó là ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời của bố tôi. Ông không nghĩ rằng vị Chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc như vậy lại có thời gian đến thăm, động viên, trực tiếp bắt tay, mở rộng vòng tay, ôm ông thân thiết. Xúc động trước tình cảm Bác Hồ dành cho mình, bố tôi đã rút chiếc khăn thêu truyền thống của người Tày tặng Người”.
Cụ Nỏ qua đời vào năm 1987, ngôi mộ của cụ nằm phía sau đồi của người con trai duy nhất tại thôn Hẻo Trang, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai). Tiếp nối công việc của người cha đã khuất núi, ông Trần Văn Trực, sinh năm 1972, là cháu đích tôn của cụ Nỏ hằng ngày vẫn chăm sóc phần mộ và thắp nén tâm hương tưởng nhớ cụ trong những dịp lễ, tết. Trong ký ức của ông Trực, ông nội rất gần gũi, yêu thương các cháu hết mực, luôn dặn các cháu đã là anh em, dù nội hay ngoại phải đùm bọc, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Theo ông Trực, con, cháu rất tự hào về ông và càng tự hào hơn khi tại phường Pom Hán (thành phố Lào Cai) có một tuyến đường mang tên Trần Văn Nỏ.
Phần lớn con, cháu cụ Nỏ hiện nay đang sinh sống, làm việc tại xã Cam Đường và xã Tả Phời. Tự hào về những đóng góp của cụ Nỏ cho quê hương, các con, cháu của cụ luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp công sức xây dựng quê hương.
Là cháu ngoại của cụ Nỏ, suốt 20 năm trên cương vị Trưởng thôn Làng Dạ, xã Cam Đường, bà Sầm Thị Hoàn luôn làm tốt trọng trách được giao, được người dân tin tưởng, quý mến.
Trong phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bà Hoàn đã tích cực vận động, tuyên truyền bà con hiến đất mở đường giao thông nông thôn, xây dựng cảnh quan “xanh – sạch – đẹp”, nếp sống văn minh và thực hiện tốt các quy tắc ứng xử do thành phố quy định. Nhờ vậy, thôn Làng Dạ đã trở thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của xã Cam Đường vào năm 2016. Bà Hoàn được vinh danh là người có uy tín trong cộng đồng, nhiều lần được các cấp, các ngành khen thưởng. Đặc biệt, năm 2018, bà Hoàn là 1 trong 60 đại biểu tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh Lào Cai vinh dự được đi báo công tại Thủ đô Hà Nội và được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng ảnh Bác Hồ.
Tại thôn Hẻo Trang, nơi cụ Nỏ khai hoang, đến nay có 7 gia đình là cháu nội, ngoại sống quây quần, tập trung, tất cả đều là hộ khá, giàu. Ông Trần Văn Trực rất tự hào khi trong 4 gia đình cháu nội có 7 người là đảng viên. Tiêu biểu trong đó có người em út là Trần Văn Thuyên đã có nhiều năm giữ cương vị Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tả Phời trước khi chuyển sang làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã được hơn 1 năm qua.
Trên cương vị Bí thư Đoàn xã Tả Phời, anh Thuyên đều năng động, nhiệt tình với công việc. Anh đã có nhiều đóng góp trong việc củng cố tổ chức đoàn dưới cơ sở, phát triển phong trào thanh niên tại địa phương và để lại dấu ấn trên những công trình thanh niên như các tuyến đường Ú Sì Sung, Phìn Hồ Thầu, Láo Lý. Anh Trần Văn Thuyên đã 2 lần được Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khen thưởng.
Ông Trần Văn Trực cũng đã có hơn 20 năm làm công an viên và nhiều khóa làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Hẻo Trang. Ông đã có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, hòa giải ở cơ sở. Ông luôn tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đã 36 năm kể từ ngày cụ Nỏ về với tổ tiên nhưng đối với ông Trực và mọi người trong dòng họ, cụ vẫn mãi sống với con cháu. Qua những câu chuyện kể về cụ, các thế hệ luôn khắc ghi, phấn đấu, rèn luyện và ngày càng trưởng thành, đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp.