Đối với lúa một vụ vùng cao, sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện gây hại 7 ha, sâu đục thân hai chấm gây hại 2 ha tại thành phố Lào Cai; bệnh đạo ôn gây hại với diện tích khoảng 5 ha; bệnh khô vằn, bạc lá, sâu đục thân, ruồi đục nõn… phát sinh gây hại rải rác trên diện tích lúa một vụ của các địa phương trong tỉnh.
Đối với lúa mùa vùng thấp, sâu cuốn lá nhỏ gây hại với diện tích 285,5 ha tại các huyện: Văn Bàn, Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương và thành phố Lào Cai; rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại 4,5 ha tại huyện Văn Bàn; bệnh nghẹt rễ gây hại 3,5 ha, bệnh thối thân gây hại 5 ha lúa tại huyện Bảo Thắng; 18 ha lúa nhiễm ốc bươu vàng tại huyện Văn Bàn, Bảo Yên và thành phố Lào Cai; châu chấu gây hại 5 ha lúa tại huyện Bảo Yên. Ngoài ra, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, bạc lá,… cũng xuất hiện và gây hại nhẹ, rải rác trên diện tích lúa mùa của các địa phương.
Trên cây ngô, sâu keo mùa thu xuất hiện và gây hại 26 ha ngô tại các địa phương (trong đó: nhiễm nhẹ 20 ha, trung bình 6 ha); sâu khoang, rệp,… gây hại nhẹ, rải rác. Trên các loại cây trồng khác, sâu bệnh hại xuất hiện với mật độ và tỷ lệ gây hại thấp.
Nhằm hạn chế sâu, bệnh xuất hiện và gây hại trên cây trồng, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động, thực hiện nghiêm công tác điều tra sâu bệnh hại định kỳ và điều tra bổ sung ở các vùng trọng điểm cây trồng, chỉ đạo phòng trừ khi mật độ, tỷ lệ hại đến ngưỡng.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các địa phương kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu, bệnh hại trên đồng ruộng, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại, sử dụng các loại thuốc đặc trị để phun trừ kịp thời khi sâu còn tuổi nhỏ, bệnh mới chớm hại để đạt hiệu quả phòng trừ cao.