Sau thời gian triển khai với sự vào cuộc tích cực của các cấp hội phụ nữ, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn thị xã Sa Pa, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã đạt được những kết quả bước đầu, tạo ra những đổi thay trong đời sống của hội viên phụ nữ.
Để đảm bảo hoạt động hiệu quả, anh Phàn Láo Tả, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa luôn quan tâm xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể hằng tháng, hằng quý theo từng chủ đề nhất định; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong tổ phụ trách tuyên truyền đến các nhóm hộ, nhóm đối tượng có nguy cơ cao như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đuối nước, nguy cơ bị xâm hại và bạo lực gia đình… Thông thường, Tổ truyền thông của thôn thực hiện tuyên truyền 1 lần trong tháng, khi có việc đột xuất hoặc cao điểm có thể tổ chức 2 lần/tháng, kết hợp tuyên truyền qua cuộc họp thôn, hệ thống loa truyền thanh, nhóm zalo và đến từng hộ gia đình.
Anh Tả đánh giá, việc thành lập Tổ truyền thông cộng đồng trong triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021 – 2025) đã phát huy hiệu quả hơn trong công tác tuyên truyền tại cơ sở. Các thành viên trong tổ được tập huấn và trang bị kiến thức tuyên truyền bài bản; có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng; cách thức tuyên truyền hấp dẫn hơn. Nhất là tổ hoạt động có kế hoạch chi tiết, nội dung biên tập ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng người nghe.
Theo thống kê của địa phương, từ khi triển khai thực hiện Dự án 8 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Sa Pa đã phối hợp với chính quyền 11 xã, phường được thụ hưởng dự án thành lập 58 Tổ truyền thông cộng đồng, mỗi tổ 10 người có cả nam giới và nữ giới, gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, các đoàn thể của thôn, người có uy tín, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, ban bảo vệ dân phố và người dân… Trong năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023, các tổ đã tổ chức được 122 buổi truyền thông trực tiếp tại các thôn, tổ dân phố với trên 6.100 lượt người tham gia. Nội dung tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống đuối nước, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống mua bán người, phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới… Ngoài ra, còn tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, nhóm zalo, facebook…
Bà Hầu Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Sa Pa cho biết, công tác thực hiện Dự án 8 trên địa bàn đã được triển khai bài bản, thống nhất từ thị xã đến các xã, phường. Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã đã thành lập ban điều hành dự án; chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ 11 xã, phường thuộc Dự án 8 chủ động phối hợp với UBND, Ban Giám hiệu các trường chủ động chuẩn bị các điều kiện, lựa chọn thành phần tham gia câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, Tổ truyền thông cộng đồng; ban hành Quyết định thành lập, nội quy, quy chế hoạt động; thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông theo kế hoạch thực hiện từng năm, chủ động kiện toàn các thành viên tham gia khi có sự thay đổi.
Hội Liên hiệp Phụ nữ 11 xã, phường chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo cấp mình triển khai thực hiện các nội dung dự án; phối hợp với UBND cùng cấp, các ngành đoàn thể cụ thể hóa các nội dung trong chương trình mục tiêu quốc gia đến từng cán bộ, hội viên, đoàn viên và người dân trên địa bàn.
Công tác phối hợp giữa các đơn vị với Hội Liên hiệp Phụ nữ được thực hiện đồng bộ từ thị xã đến các xã, phường; thường xuyên trao đổi về những khó khăn, vướng mắc để đưa ra các giải pháp, kiến nghị đối với cấp trên tháo gỡ trong quá trình thực hiện. Phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông thị xã xây dựng nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng hằng tháng, hằng quý…
Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã đã phối hợp thành lập và ra mắt 12 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với 360 thành viên là học sinh các trường THCS tại 11 xã, phường, trong đó có 2 câu lạc bộ điểm của tỉnh; tổ chức 7 lớp tập huấn hướng dẫn vận hành Tổ truyền thông cộng đồng; 3 lớp tập huấn vận hành câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Trong năm 2023, dự kiến sẽ ra mắt 3 mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại xã Thanh Bình, Bản Hồ và Mường Hoa.
Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã còn tổ chức hàng chục buổi truyền thông bình đẳng giới, về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; hội nghị tiếp xúc đối thoại chính sách với hội viên phụ nữ; tập huấn nâng cao năng lực giới, phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp tổ chức 6 cuộc giám sát chủ đề “Gia đình bình an – xã hội hạnh phúc” gắn với thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình…
Với sự chủ động triển khai một cách đồng bộ, nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa tại cơ sở, các nội dung của Dự án 8 đã và đang đi vào cuộc sống, mở ra thêm nhiều cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của phụ nữ vùng cao trên địa bàn thị xã Sa Pa trong đời sống hiện nay.