Người Tày ở xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai) nổi tiếng với nghề làm cốm, cứ đến dịp tháng 10 hàng năm, khắp bản làng trong xã, lại rộn ràng hương cốm mới, làm đẹp thêm chi bản sắc cộng đồng người Tày bên dòng Nậm Luông thơ mộng.
Phụ nữ Tày ở Nghĩa Đô làm cốm.
Rộn ràng hương cốm tháng 10
Cứ đến mùa thu hàng năm, khi lúa sắp chín, người Tày ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, lại rộn ràng vào mùa cốm mới. Cốm không chỉ là một món ăn, nó còn là một nét văn hóa truyền thống được duy trì từ hàng trăm năm trong cộng đồng người dân tộc Tày ở nơi đây.
Bà Ma Thị Lan, ở xã Nghĩa Đô, cho biết: “Người Tày ở Nghĩa Đô thì ai cũng biết làm cốm, chị em nào, nhà nào cũng làm, làm để ăn chơi, có nhà thì làm để bán. Đến mùa làm cốm thì rất vui, chị em thường tụ tập từng nhóm với nhau để làm, lúc nào cũng rộn rã tiếng cười khi cùng nhau làm cốm”.
Phụ nữ người Tày ở Nghĩa Đô làm cốm mới.
Bà Hoàng Thị Đoan ở bản Nà Đinh, Nghĩa Đô, chia sẻ: “Để làm ra những mẻ cốm chất lượng, chị em người Tày thường phải lựa chọn những bông lúa đảm bảo tiêu chuẩn, hạt phải đều, không già quá cũng không non quá.
Khi lúa gặt về, việc đầu tiên là rửa sạch, phơi cho ráo nước, sau đó cho lên lò sấy, nhiệt độ sấy cốm phải đượm và đều nhiệt. Đảm bảo cốm sấy xong phải mềm, dẻo và dậy mùi thơm.
Công đoạn tiếp theo là giã cốm, đây là phần việc khá quan trọng, họ phải giã đều tay, không quá mạnh và cũng không quá nhẹ, để vỏ trấu bong ra, nhưng vẫn giữ được sự vẹn nguyên của hạt cốm”.
Đến mùa thì hầu như gia đình nào ở Nghĩa Đô cũng làm cốm. Một số nhà làm để bán với mức giá từ 100 nghìn đến hơn 120 nghìn/kg. Do làm thủ công nên sản lượng cũng không nhiều, làm ra bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu, thậm chí không có mà bán. Vì người mua thường mua để ăn và cho tặng nhau nên sản lượng làm ra không đáp ứng kịp, bà Đoan cho biết thêm.
Gặt lúa làm cốm.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai, cho hay: Trong quan niệm của người Tày ở Nghĩa Đô, thì việc giã cốm còn có ý nguyện thông báo cho tổ tiên biết về việc con cháu sắp bước vào một vụ mùa thu hoạch mới. Để cầu nguyện tổ tiên phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe, thu hoạch được thuận lợi, cuộc sống ấm no. Việc làm cốm cũng thể hiện sự đoàn kết trong gia đình và cộng đồng, sự phân công hợp lý từ người rang cốm, người giã cốm, người sàng sảy cốm… một cách đồng bộ và nhịp nhàng”.
Cốm trở thành sản phẩm thu hút khách du lịch…
Nếu như xưa kia, việc làm cốm chỉ dừng lại ở tập quán, văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Tày ở Nghĩa Đô, thì đến nay, nó đã được nâng tầm thành sản phẩm văn hóa du lịch ở vùng đất Nghĩa Đô, Bảo Yên nói riêng và cho cả tỉnh Lào Cai nói chung.
Đó là lễ hội cốm được tổ chức hàng năm, tạo thành sản phẩm văn hóa, góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng.
Ông Nguyễn Sĩ Hồng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Yên, chia sẻ: Từ vài năm trở lại đây, lễ hội cốm ở xã Nghĩa Đô được tổ chức thường niên vào tháng 10 hàng năm. Nhân dân tổ chức phục dựng lại các công đoạn làm cốm cổ truyền, rồi tổ chức thi làm cốm với nhau, sau đó là nghi lễ cúng dâng cốm mới lên các vị thần linh trong đình Nghĩa Đô. Trong lễ hội cốm, ngoài việc thi làm cốm, người dân còn chế biến nhiều món ăn độc đáo từ cốm, như cháo vịt cốm, bánh cốm, chả cốm…”.
Do đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất Nghĩa Đô, cùng với sự chăm chỉ sáng tạo của người dân nơi đây, đã tạo ra sản phẩm cốm có hương vị độc đáo, thu hút khách du lịch.
Ngày nay, khách du lịch từ khắp mọi miền đến với vùng đất Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, họ chẳng những ấn tượng với khung cảnh làng bản yên bình, nằm dọc hai bên dòng Nậm Luông quanh năm xanh mát, mà còn ấn tượng với hương vị cốm mới của người, khi mỗi độ thu về.