Anh Nguyễn Bá Cảnh (phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai) – chủ mô hình nuôi cua biển trong nhà cho biết cua biển lột là một trong những món hải sản được nhiều người ưa chuộng vì giá trị dinh dưỡng của thịt cua.
Đặc biệt là cua cốm lột (cua cốm hai da đến ngày lột vỏ để lớn lên) có giá bán cao hơn cua thường nhưng nguồn cung đang không đủ cầu. Đây là loại cua rất hiếm trong tự nhiên và có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong tất cả các loại cua.
Sau khi nghiên cứu và học hỏi nhiều nơi, đầu năm 2023, anh Cảnh bắt đầu triển khai mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa kết hợp hệ thống lọc nước tuần hoàn.
Khác với mô hình nuôi cua biển trong nhà đã được giới thiệu tại một số tỉnh, thành thường nuôi mỗi con trong một hộp nhỏ, anh Cảnh sử dụng các khay có kích thước lớn có thể nuôi 8 – 9 con cua trong một khay.
Các khay nhựa được xếp thành nhiều hàng và nhiều tầng. Cách làm này sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư, tạo không gian thoáng, đồng thời cũng thuận lợi hơn cho người nuôi chăm sóc, cho cua ăn. Hệ thống nước chảy từ khay trên xuống khay dưới cũng góp phần tạo thêm ôxy.
Vì thả chung trong một khay nên những đôi càng to khỏe của cua phải được buộc kín để tránh chúng va chạm, ăn thịt lẫn nhau. Sau khoảng 25 – 30 ngày nuôi, cua lột bắt đầu được thu hoạch, trọng lượng trung bình 250g – 350 g/con, có con đạt gần 500 g.
Chất lượng thịt cua không phụ thuộc vào không gian vận động mà yếu tố quyết định là thành phần dinh dưỡng trong thức ăn và chất lượng môi trường sống.
Anh Cảnh cho biết nguồn nước được xử lý theo công nghệ Nhật Bản đã được cải tiến phù hợp với nuôi cua, hệ thống cung cấp nước cũng do anh tự nghiên cứu, thiết kế theo nguyên lý tuần hoàn, thậm chí còn tốt hơn nước biển tự nhiên vì đã loại bỏ các tạp chất và bổ sung các khoáng chất cần thiết.
Khi đưa nước vào các khay nuôi cua, thức ăn thừa và chất cặn thải ra đi qua hệ thống lọc thô, sau đó ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn. Nước sau đó lại được tái sử dụng, giúp tiết kiệm chi phí, không gây ô nhiễm môi trường.
Các chỉ tiêu như nhiệt độ, độ mặn, khoáng chất và các thành phần khác của nước dù được điều chỉnh tự động nhưng cũng phải kiểm tra thường xuyên để đảm bảo môi trường tốt nhất cho cua sinh trưởng, phát triển.
Nguồn thức ăn sử dụng chủ yếu là mực tươi sống được lựa chọn kỹ lưỡng từ Nam Định, Thái Bình. Để chủ động nguồn cua giống, anh Cảnh đã nhập trực tiếp của bà con tại vùng biển Ninh Bình – nơi có truyền thống nuôi cua biển.
Anh Cảnh chia sẻ nuôi cua biển trong nhà có những ưu điểm là không ảnh hưởng bởi thời tiết, tận dụng diện tích nuôi tối đa. Nhờ kiểm soát môi trường nuôi và nguồn thức ăn nên chất lượng sản phẩm cũng được kiểm soát trước khi đưa ra thị trường, năng suất cao hơn ngoài tự nhiên và chất lượng cũng không hề thua kém.
Hiện anh Cảnh đang duy trì nuôi 48 khay nuôi, thời điểm cua cho thu hoạch mỗi ngày có thể xuất ra thị trường 3 kg – 4 kg cua cốm lột. Từ khi có mô hình nuôi này, người dân tại thành phố Lào Cai và các địa phương lân cận được thưởng thức cua cốm tươi sống thay vì sử dụng sản phẩm cấp đông được nhập từ các tỉnh, thành ven biển.
Anh Cảnh cho biết đang tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để nuôi thêm một số sản phẩm khác như cua thịt, cua gạch. Thời gian tới tùy theo nhu cầu của thị trường, anh sẽ mở rộng mô hình, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những người có nhu cầu học hỏi áp dụng mô hình mới này.