Tại văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung:
Không để phát sinh diện tích thảo quả trồng mới, trồng lại trên diện tích cũ
UBND các huyện, thị xã, thành phốchỉ đạo UBND cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tự tháo dỡ các lều lán sinh hoạt, sấy thảo quả trong rừng tự nhiên, tổ chức ký cam kết sản xuất thảo quả bền vững gắn với bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; không mở rộng diện tích thảo quả trong rừng tự nhiên, không trồng lại trên diện tích cũ; khuyến khích Nhân dân chuyển đổi từ canh tác cây thảo quả sang cây trồng, vật nuôi khác bên ngoài rừng tự nhiên.
Thực hiện hiệu quả phương án quản lý thảo quả đã xây dựng, không để phát sinh diện tích trồng mới, trồng lại trên diện tích cũ; đảm bảo lộ trình xóa bỏ hoàn toàn cây thảo quả trên địa bàn tỉnh vào năm 2030 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản số 2089/UBND-NLN ngày 14/5/2020 và Văn bản số 2740/UBND-NLN ngày 19/6/2020.
Chỉ đạo các lực lượng của địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi phát luỗng rừng trồng mới thảo quả, chặt cây rừng tự nhiên trong nương thảo qủa.
Tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án, sử dụng linh hoạt các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các dự án trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trồng cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao để tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) tổ chức triển khai hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển rừng, tạo điều kiện cho các hộ gia đình cam kết không sản xuất thảo quả dưới tán rừng được nhận khoán bảo vệ rừng. Hướng dẫn, nhân rộng mô hình trồng cây đặc sản, cây dược liệu, mô hình chăn nuôi có giá trị kinh tế cao trên đất trống, đất vườn tạp, đất trồng cây hàng năm khác để tạo thu nhập thay thế cho Nhân dân. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm bám địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi phát, phá, lấn chiếm đất rừng tự nhiên để trồng thảo quả; đặc biệt là canh tác thảo quả không an toàn gây cháy rừng.
Tiến tới xóa bỏ cây thảo quả trong rừng tự nhiên vào năm 2030
Các chủ rừng chỉ đạo công chức, viên chức, các tổ, đội bảo vệ rừng bám địa bàn, bám cơ sở, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến tận thôn bản, các hộ gia đình canh tác thảo quả về mặt trái của việc phát triển và mở rộng diện tích thảo đối với hệ sinh thái rừng; chủ trương của tỉnh về việc không mở rộng diện tích thảo quả, tiến tới xóa bỏ cây thảo quả trong rừng tự nhiên vào năm 2030 để Nhân dân hiểu, đồng thuận và tổ chức thực hiện.
Hướng dẫn canh tác thảo quả bền vững, không trồng mở rộng trong rừng tự nhiên, không trồng lại trên diện tích cũ; nghiêm cấm phát dọn cây tái sinh, cây gỗ trong quá trình chăm sóc thảo quả; không dựng lều, lán trong rừng để làm nơi sinh hoạt và sản xuất thảo quả; không chặt phá cây rừng để sấy thảo.
Tăng cường kiểm tra công tác khoán bảo vệ rừng tự nhiên tại khu vực có trồng thảo quả, ghi nhận hiện trạng đối với diện tích trồng thảo quả (nếu có), bổ sung phụ lục hợp đồng nội dung cam kết của bên nhận khoán không phát triển thảo quả trên diện tích rừng được giao khoán bảo vệ. Tổ chức nghiệm thu, thanh toán khi bên nhận khoán đảm bảo thực hiện nghiêm các nội dung hợp đồng đã ký.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra các vụ việc phá rừng, luỗng rừng tự nhiên để trồng cây thảo quả mà không có biên pháp ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời./.