Nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch chỉ ra 9 xu hướng nổi trội của du khách nội địa sau đại dịch Covid-19, với một số phát hiện đáng chú ý.
Du lịch trong nước là lựa chọn hàng đầu
Những tác động của dịch bệnh Covid-19, cùng sự bất ổn về kinh tế, tài chính và giá nhiên liệu tăng cao là các yếu tố khiến chuyến du lịch nước ngoài trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn, kéo theo sự hạn chế khả năng tiếp cận các điểm đến quốc tế đối với nhiều người Việt. Do đó, nhiều du khách Việt sẽ có xu hướng chọn các điểm đến gần, ở trong nước như một cách hiệu quả để thỏa mãn nhu cầu du lịch. Hơn nữa, tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều lựa chọn du lịch hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách nội địa, từ vùng biển đến núi cao hay các loại hình chăm sóc sức khỏe, văn hóa tâm linh hay thể thao mạo hiểm…
Các điểm nghỉ dưỡng biển được yêu thích
Phong cảnh vùng vịnh Ninh Vân tại Khánh Hòa.
Qua phân tích tổng hợp của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, cũng như quan sát tình hình du lịch nội địa vào các dịp nghỉ lễ lớn trong 2 năm 2022 và 2023, khách du lịch nội địa có xu hướng đi du lịch biển nhiều hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19. Một bộ phận khách nội địa đang hướng đến nhu cầu tìm kiếm những không gian nghỉ dưỡng cao cấp, đề cao sự trải nghiệm, yên tĩnh và gần gũi với thiên nhiên hoang sơ, thường là những hòn đảo hay bãi biển trong lành.
Du lịch theo nhóm nhỏ
Một xu hướng đáng chú ý của du khách Việt là sự gia tăng về du lịch theo nhóm nhỏ, đi cùng gia đình hoặc nhóm bạn, trong khi du lịch theo đoàn lớn có xu hướng giảm sút. Theo ghi nhận của Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa, nếu các năm trước, khách đoàn chiếm 60% còn 40% là khách lẻ thì năm nay hoàn toàn ngược lại, khách du lịch đến Nha Trang chủ yếu là khách lẻ với tỷ lệ hơn 60%. Sự dịch chuyển này được ghi nhận ở hầu hết các địa bàn trọng điểm du lịch như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc…
Theo thông tin từ các công ty du lịch, những đoàn khách lớn cùng hoạt động team-building giảm hẳn so với trước dịch Covid-19. Nếu so với thời điểm trước dịch, các công ty có nguồn phúc lợi dồi dào nên thường tổ chức các chuyến du lịch cho nhân viên để tăng cường giao lưu, gắn kết, phát động kinh doanh. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây do tình hình kinh doanh khó khăn hơn, số lượng các đoàn du khách theo mô hình trên đã giảm sút.
Du lịch bền vững dần hình thành
Ninh Bình là một trong những địa phương chú trọng phát triển du lịch bền vững.
Xu hướng tiêu dùng du lịch xanh và bền vững không chỉ phổ biến trong cộng đồng du khách quốc tế mà còn đang dần thâm nhập, trở thành thói quen của du khách Việt Nam. Báo cáo của nền tảng Booking.com khảo sát khách du lịch nội địa cho thấy, có 88% du khách Việt Nam tiết lộ dịch Covid-19 thúc đẩy họ muốn đi du lịch theo cách bền vững hơn trong tương lai. 41% du khách thừa nhận cũng chính dịch Covid-19 khiến họ thay đổi quan điểm để hướng tới lối sống tích cực hơn.
Ngày càng nhiều người Việt nhận thức được tầm quan trọng của việc du lịch xanh, bảo vệ môi trường, và hòa vào xu thế chung của thế giới về sự bền vững. Du khách không chỉ tìm kiếm các tour du lịch sinh thái mà còn tham gia bảo vệ môi trường tại các điểm đến và ủng hộ các dự án du lịch bền vững. Người Việt đã quan tâm hơn đến việc tiêu dùng các sản phẩm du lịch xanh thân thiện với môi trường từ khâu sản xuất, tiêu thụ cho đến việc sử dụng sản phẩm.
Tránh những điểm đến đông người
Đây là một xu hướng du lịch chung của thế giới và du khách Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Dịch bệnh Covid-19 đã phần nào làm thay đổi tâm lý khách nội địa, nhiều người muốn tránh những điểm đến đông đúc nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe cũng như tận hưởng sự riêng tư, yên tĩnh. Sau một thời gian dài sống trong tình hình bất ổn và căng thẳng do đại dịch cũng như trước những áp lực hay khó khăn về kinh tế, nhiều người Việt đang tìm kiếm những trải nghiệm du lịch yên bình và thư giãn hơn.
Sự lên ngôi của tour thiết kế
Những tour chuyên đề được thiết kế cho nhóm nhỏ đang ngày càng phát triển. Du khách vẫn tin tưởng và sử dụng dịch vụ của công ty lữ hành khi được tư vấn kỹ càng. Các tour thiết kế được lựa chọn nhiều nhất có thể là du lịch sinh thái biển, sinh thái núi, sinh thái nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe… Ngày càng nhiều du khách sẵn sàng chi số tiền lớn để mua tour thiết kế riêng, sử dụng các dịch vụ cao cấp từ ghế hạng thương gia hay khu nghỉ dưỡng đẳng cấp.
Đi ngắn ngày hơn và chi tiêu ít hơn
Hiện nay nhiều người dân và gia đình Việt đã phải đối mặt với tình hình tài chính khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 cũng như suy thoái kinh tế. Do đó, nhiều người hạn chế đi du lịch xa hoặc du lịch dài ngày, tập trung vào những chuyến đi ngắn hơn nhằm tiết kiệm tiền. Phương tiện đường bộ cũng được ưu tiên hơn đi máy bay vì lý do chi phí. Tuy nhiên, xu hướng này có thể sẽ kết thúc trong vài năm tới khi tình hình tài chính, thu nhập của người dân được phục hồi trở lại như trước dịch bệnh.
Du lịch gần nhà, tham quan tại địa phương
Đồi Phượng Hoàng ở Quảng Ninh được nhiều người dân trong tỉnh chọn là điểm dã ngoại cuối tuần.
Đây là xu hướng mới nảy sinh cả ở Việt Nam và trên thế giới, bắt nguồn từ các hạn chế về đi lại vì quy định kiểm dịch. Với các tỉnh, thành phố có nhiều điểm du lịch hấp dẫn thì người dân ở địa phương đó có thể chọn đi du lịch ngay trong nội tỉnh để tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo các nhu cầu du lịch. Xu hướng này được ghi nhận rõ nét tại các thành phố lớn, đơn cử như ngoại thành Hà Nội luôn đón lượng lớn du khách từ nội thành đi nghỉ mỗi dịp cuối tuần hay lễ tết.
Thanh toán điện tử và sử dụng công nghệ trong chuyến đi
Không chỉ giới trẻ mà hầu hết du khách Việt đã sử dụng điện thoại di động vào quá trình du lịch, từ tìm kiếm thông tin, đánh giá, chụp ảnh, chia sẻ cũng như thanh toán. Đối tượng giới trẻ thường thành thạo về công nghệ hơn, có khả năng sử dụng những ứng dụng hiện đại hơn để hỗ trợ quá trình du lịch. Với ngày càng nhiều tiện ích cùng các ưu đãi, giảm giá trên nền tảng trực tuyến, cũng như sự an toàn, nhanh chóng, thuận tiện… việc sử dụng công nghệ số và thanh toán điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình du lịch của giới trẻ Việt Nam.