Chiều 12/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, Sở Du lịch Lào Cai đã phối hợp Hiệp hội du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày du lịch Việt Nam.
Năm 2024, du lịch Lào Cai tiếp tục được du khách đánh giá là điểm du lịch hấp dẫn. Thị xã Sa Pa lọt vào tốp những điểm đến thịnh hành nhất thế giới 2024 do nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor bình chọn.
Trong 7 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch đến với Lào Cai đạt 4.586.912 lượt, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 53,96% so với kế hoạch năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch đạt 15.005 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023…
Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Lào Cai đã đánh giá, năm 2024, du lịch Lào Cai tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc, cụ thể của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt các cấp ủy, các sở ngành, chính quyền các địa phương trong tỉnh Lào Cai. Từ đó, phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đẩy nhanh phục hồi và phát triển ngành du lịch…
Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng và sự nỗ lực của địa phương, thời gian qua Lào Cai đã được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn là điểm đến và du lịch đã dần khẳng định được vị thế của mình trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cũng như trong phát triển du lịch vùng và cả nước.
Tuy nhiên, tại một số nơi sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động phát triển du lịch có mặt còn hạn chế. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, Đề án, Chỉ thị về quản lý, nâng cao chất lượng du lịch trong lĩnh vực du lịch chưa đạt hiệu quả cao… Nhận thức về bảo tồn, khai thác phát huy tài nguyên du lịch, trách nhiệm quản lý và hỗ trợ phát triển du lịch của một số địa phương còn yếu.
Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật còn khó khăn, nhiều tuyến đường xuống cấp, một số tuyến được đầu tư nâng cấp chậm hoàn thành, nhiều tuyến đường tiếp cận điểm đến du lịch (nhất là các đỉnh núi, thác nước) chưa được đầu tư.
Hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn du lịch, sơ đồ du lịch, điểm dừng chân ngắm cảnh, bãi đỗ xe phục vụ du lịch tại các vùng trọng điểm du lịch (Sa Pa, thành phố Lào Cai, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên) còn thiếu.
Phần lớn các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn tối thiểu phục vụ khách du lịch, thiếu những cơ sở lưu trú chất lượng cao…
Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch tại Lào Cai chiều 12/7. |
Để tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong năm 2024, lãnh đạo tỉnh Lào Cai và ngành du lịch xác định một số nhóm giải pháp chính sau: Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh và kiến nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xóa bỏ những quy định không phù hợp trong lĩnh vực du lịch.
Triển khai có hiệu quả thực hiện quy định của Luật Du lịch. Đẩy mạnh việc áp dụng tiêu chí của ASEAN tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh như một bước đột phá về việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tỉnh Lào Cai theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Duy trì các kênh thông tin để du khách có thể phản ánh về chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm du lịch khi đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch về quản lý, khai thác và quản lý chất lượng sản phẩm du lịch và các dịch vụ du lịch liên quan, chú trọng đối với sản phẩm du lịch đặc thù tại các điểm đến, đặc biệt trên các địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh.
Tăng cường liên kết với các địa phương, hợp tác trên tuyến hành lang kinh tế Vân Nam-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh để khai thác các thị trường khách du lịch và cơ hội đầu tư du lịch cho tỉnh Lào Cai. Đây cũng chính là các nhà đầu tư tiềm năng để có thể phát triển sản phẩm du lịch theo tuyến du lịch trọng điểm quốc gia.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế tại các thị trường du lịch tiềm năng; tổ chức hoạt động xúc tiến tại thị trường quốc tế. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai liên kết với các cơ sở đào tạo du lịch và tăng cường hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của chính doanh nghiệp.