Kỷ vật ông Lê Văn Mây tự tay làm để lưu dấu một thời gắn với nghiệp biển
|
Bí quyết truyền đời
“Nghề biển hiện nay đã được trang bị tàu lớn, các thiết bị định vị, máy dò cá hiện đại, kể cả dự báo thời tiết, khí tượng… giúp ngư dân đánh bắt hiệu quả trên ngư trường, tránh tai nạn khi làm nghề. Tuy nhiên, với bà con ngư dân, những kinh nghiệm dân gian đi biển cũng rất cần thiết và hữu ích”, ông Đoàn Thao, Phó phòng NN&PTNT huyện Phú Vang, nhận định.
|
Ở tuổi 85, lão ngư Lê Văn Mây (thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) vẫn còn khỏe. Hằng ngày, ông vẫn ra biển xem những chuyến thuyền ngược xuôi, gợi nhớ một thời trai tráng tung hoành sóng gió với những mùa đánh bắt bội thu.
Nhắc chuyện đi biển, ông bảo, nhờ biển mà ông “khỏe như ri”. Cũng nhờ biển mà ông nuôi được 9 người con, giờ có 5 đứa vẫn theo nghề truyền thống gia đình. Ra khơi lúc tròn 18 tuổi cùng chiếc thuyền nan chèo tay. Cưới vợ về – nói như ông, áp lực sinh kế, thôi thúc khiến ông xông ra biển tự học lấy những kinh nghiệm xương máu của nghề.
Ông kể: “Hồi xưa ra khơi chỉ độc “một thuyền một thân”, không có máy móc hỗ trợ như bây giờ. Những vụ đánh bắt cá, mực vào ban đêm, thuyền ra mấy chục hải lý, biển tối như bưng nhưng tôi vẫn tìm được ổ mực, ổ cá thu, đánh bắt xong vẫn kiếm được đường vào”.
Nhờ những “tuyệt kỹ” đó mà ông Mây có những chuyến biển cá đầy thuyền. Theo cách lý giải của ông, khi ra biển ngư dân lấy điểm cao nhất của ngọn đồi, núi nào đó ở đất liền làm “điểm chuẩn”. Ra càng xa, điểm chuẩn ấy càng mờ nên chỉ nhìn được “chóp núi”. Canh một đường thẳng với điểm cao nhất, ngư dân sẽ biết cách chèo đến nơi mình cần đến.
Những ổ mực, ổ cá thu được ngư dân ban ngày đặt phao ở các rạn đá, khe nước trước. Khi ra biển vào ban đêm để câu, dù trời tối nhưng nhờ cách nhận biết như thế nên ngư dân chèo thuyền ra là “đúng phóc”! Mỗi ổ mực, cá thu có khi một chuyến họ đánh được cả góc thuyền.
Nếu nước êm, thuyền ra chừng 30-40 hải lý, không còn nhìn thấy đất liền thì họ dựa vào vị trí các chòm sao, con nước để tìm đúng nơi mình cần đến. Ông Mây phân tích: “Lúc trời trong mình phải nhìn hướng sao để canh đường đi. Có khi, phải dựa vào con nước sinh, nước rài, nước máy hay nước chảy để điều chỉnh hướng mũi thuyền nơi mình tìm đến. Dựa vào cách đó, mấy chục năm tui đi biển vào ban đêm chưa bao giờ “lạc” hay không tìm được ổ cá, mực mà mình đã đánh dấu trước đó”.
Cũng dựa vào con nước, thức ăn của loài hải sản để biết nên bủa lộng (gần bờ) hay bủa khơi (xa bờ). Mùa cá hố, cá khoai (tầm tháng 10-11AL) nếu xuất hiện nhiều loài ruốc (thức ăn cho cá) thì bủa lộng, còn con nước chảy êm thì bủa khơi.
Ngư dân thường bảo: “Bủa cả năm không bằng trộ xăm tháng tám”. Ông Mây giải thích: “Hồi xưa mỗi trộ xăm đều được bà con bốc thăm để “phân cấp” mặt nước mô ra nấy, không được xâm phạm lẫn nhau. Mỗi trộ xăm tháng 8 được mùa có khi kiếm được cả thuyền cá. Sản vật dồi dào, đánh bắt được nên lâu dần ngư dân có những kinh nghiệm tự học hỏi lấy rồi truyền lại cho con em trong gia đình để theo nghề”.
Kinh nghiệm đi biển không chỉ đánh bắt được nhiều cá tôm mà còn giúp ngư dân tránh được sóng gió, tai nạn khi làm nghề. Gần 70 năm đi biển, ông Mây bảo rằng “không kể lần” ông gặp sóng gió chìm thuyền hay bị trôi dạt vào Đà Nẵng. Với ông, việc cá ông (cá ngài) cứu giúp ngư dân là câu chuyện có thật. Ông kể: “Trận gió 21/11 (năm nào thì không nhớ rõ), thuyền tui cùng hàng chục ngư thuyền bị lật cách bờ mấy hải lý. Khi thuyền chìm, “lội” vào, cá ngài xuất hiện, vẩy đuổi chỉ hướng, nâng đỡ cho bà con vào bờ. Tin hay không tùy, nhưng mà với dân biển, đó là điều may mắn, là niềm tin bất diệt khi làm nghề.”
Người đi biển giỏi
Nói về đi biển, vùng bãi ngang Phú Thuận không ai không “biết tiếng” ngư dân Ngô Đức Toan (thôn An Dương). Ngấp ghé tuổi 70, ông Toan vẫn còn quắc thước với làn da rám nắng biển. Làm nghề từ năm 17 tuổi, đến 50 tuổi ông chuyển sang đi tàu xa bờ, dù có máy móc hiện đại hỗ trợ, nhưng với ông, kinh nghiệm dân gian về đi biển cũng không “thừa” bao giờ!
Hỏi chuyện, ông bảo phải đi ra biển “nói mới sướng”. Nói đoạn, ông Toan xách xe máy rồ ga hướng về trảng cát. Ông Toan kể: “Thời tui đi biển sau ni, đã có chiếc la bàn. Có la bàn mà không biết chạy thuyền cũng đi sai là chuyện thường. Ra biển điều quan trọng là nhìn vào con nước chảy. Tùy theo hướng chảy mà mình có thể chạy chệch hướng mũi thuyền vài mươi độ để “trừ hao” vào hướng nước đẩy, tìm được nơi mình cần đến. Nước sâu 30 sải thì chạy 3 tiếng, 20 sải thì chạy 2 tiếng.”
Có những chuyến nhờ kinh nghiệm biển mà ông Toan đánh trọn mẻ cá, không bị hư hỏng lưới nghề. Đó là nhờ vào hướng nước chảy mà đoán được dòng cá ít nhiều. Khi phát hiện được luồng cá thì các tàu thuyền trong thôn tập trung đánh bắt. Xưa ông Toan ra biển 10 chuyến thì có 8 chuyến “trúng”.
Cách đặt lùm tre khơi, tre lộng cũng được ông Toan “thiết kế” sao cho cá nục gai, nục dọng tới ở nhiều. Vào khoảng tháng 2-6 (AL), ngư dân lấy phao kết lá dừa, lá chuối cột dây neo vào đá, bề sâu trên cả chục sải. Bên trên gắn các bó rơm tòe ra để nhận biết khi chèo thuyền ra đúng vị trí đặt lùm. Nhờ cách làm sáng tạo này mà mỗi chuyến, ông bắt được cả tạ nục gai, nục dọng.
Ông giải thích: “Bây giờ có máy móc hiện đại, xưa chủ yếu nhìn vào con nước, hướng nước mà đón luồng cá. Nơi có cá nhiều, mặt nước lao xao. Nếu thả xong một trộ lưới, nhiều người họ xem như xong việc, đi ngủ. Tui thì không. Tính tui cặn kẽ hơn nên phải đi kiểm tra xem lưới rải có đều không. Nhìn nước hôm nớ răng để biết hướng xem lưới có bị xoắn lại không. Nếu có thì rải lưới lại rồi mới vô bờ” .
Nhờ những kinh nghiệm đi biển cùng tính cần cù, dù đã nghỉ nghề biển mấy năm, ông Toan cũng đã để lại “cơ nghiệp” mấy tàu xa bờ cho 2 người con và xây dựng được nhà cửa khang trang. Truyền kinh nghiệm đi biển cho những người con để đánh bắt an toàn.