SGGP
Già hóa dân số là vấn đề đang được nhà chức trách Singapore đặc biệt quan tâm. Đảo quốc sư tử đã thúc đẩy các giải pháp nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một xã hội siêu già trong vài năm tới, trong đó có kế hoạch cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ cho người cao tuổi.
Người cao tuổi biểu diễn văn nghệ tại một trung tâm dưỡng lão ở Singapore |
Đến năm 2030, ước tính cứ 4 người Singapore thì có một người từ 65 tuổi trở lên. Nguyên nhân vì người Singapore ngày càng có tuổi thọ cao hơn; tỷ lệ kết hôn thấp và sinh ít con. Giải pháp được một số người cao tuổi lựa chọn là đến các trung tâm dưỡng lão để hưởng thụ tuổi già. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, chính phủ sẽ mở rộng mạng lưới các trung tâm dưỡng lão. Dịch vụ được cung cấp tại các trung tâm và phạm vi tiếp cận của trung tâm cũng sẽ được tăng cường.
Hưởng ứng lời kêu gọi cải thiện dịch vụ của Chính phủ Singapore, các trung tâm dưỡng lão mở rộng hoạt động “lão hóa tích cực”, mang đến những chương trình an dưỡng đa dạng cho người cao tuổi. Trước tháng 5-2021, các trung tâm dưỡng lão chủ yếu phục vụ những người sống trong các căn hộ cho thuê. Mỗi trung tâm quản lý từ 3 đến 4 dãy nhà. Tuy nhiên, giờ đây, mỗi trung tâm phục vụ từ 35-40 dãy nhà. Nếu như trước đây, khoảng 3 nhân viên sẽ phục vụ 300 người cao tuổi thì hiện số lượng nhân viên tương tự phục vụ khoảng 4.000 người cao tuổi.
Trung tâm Lions Befrienders dự kiến sẽ phục vụ 26.000 người cao tuổi vào năm 2030, nhiều hơn gấp đôi so với 11.000 người đăng ký tại 10 trung tâm đang điều hành hiện nay. Theo bà Karen Wee, Giám đốc điều hành Trung tâm Lions Befrienders, trung tâm đang xem xét đến việc tuyển tình nguyện viên có thể đến hỗ trợ các nhân viên chăm sóc người cao tuổi phù hợp với quy mô mở rộng.
Công nghệ cũng lần lượt được các trung tâm áp dụng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe hàng ngày. Tại đây, ngoài các buổi sinh hoạt chung về thể dục dưỡng sinh, khí công, còn có khóa học diễn xuất, ca hát, quay phim và các lớp trị liệu âm nhạc. Nghe lại những bài hát quen thuộc, tham gia các lớp học nghệ thuật giúp người cao tuổi cải thiện sức khỏe, đặc biệt là trí nhớ và có cơ hội theo đuổi niềm đam mê thời trẻ của mình.
Ngoài kế hoạch cải thiện dịch vụ tại các trung tâm dưỡng lão, Chính phủ Singapore còn thúc đẩy chương trình chuyển đổi số cho người cao tuổi có tên gọi “Seniors Go Digital” (tạm dịch: Người cao tuổi dùng kỹ thuật số). Theo đó, người cao tuổi có thể tham gia các lớp học kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu, bao gồm làm quen với giao diện điện thoại thông minh hoặc hiểu cách hoạt động của các ứng dụng.
Tại các trung tâm cộng đồng kỹ thuật số Singapore được thành lập ở từng khu dân cư, và trung tâm sinh hoạt cộng đồng người cao tuổi, các nhân viên xã hội có mặt để hướng dẫn trực tiếp 1-1 đối với từng cụ. Sau các kỹ năng cơ bản, chương trình giảng dạy kỹ thuật số cũng được nâng cao để toàn diện hơn và phù hợp với cuộc sống hàng ngày. Các chủ đề mới như sức khỏe, an ninh mạng và lối sống được thêm vào chương trình hướng dẫn.
Nhân viên hướng dẫn trang bị cho người cao tuổi kiến thức về việc sử dụng các ứng dụng liên quan đến sức khỏe, cho phép người cao tuổi truy cập hồ sơ y tế và đặt lịch khám tại phòng khám. Họ cũng có thể học cách sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và kỹ năng nhận biết những người bán hàng lừa đảo.