Nhớ lời dạy của Bác năm xưa: “Lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng”, bà con đồng bào dân tộc Việt Nam, trong đó có đồng bào Hà Nhìn, luôn xem lao động là vinh quang, là quyền lợi và nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc cho mọi người.
Bộ ảnh “Lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang…” của tác giả Dương Quốc Toản gồm 10 bức ảnh thể hiện khái quát về phong cảnh và đời sống lao động của người Hà Nhì đen ở xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Bộ ảnh được tác giả gửi tham dự Cuộc thi Ảnh và Video Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Từ bao đời nay, lúa nếp nương được người Hà Nhì xem như sản vật quý giá trời ban. Hạt “ngọc thực” này không chỉ giúp người dân khỏi lo thiếu đói mà còn để làm ra nhiều món ăn ngon, dùng làm lễ vật cúng tiến, các loại đặc sản đậm đà bản sắc vùng cao.
Lúa nương được trồng trên những đồi núi có độ dốc lớn. Vào mùa thu hoạch, đồng bào Hà Nhì phải trèo đèo, men theo mỗi mảnh ruộng để thu hái từng bông lúa no tròn.
Vào vụ thu hoạch lúa nương, chị em phụ nữ dân tộc Hà Nhì đeo gùi sau lưng, dùng liềm thép (vật dụng dùng để cắt) hái, ngắt từng bông một. Bông lúa được bó lại với nhau, tuốt lấy hạt tại ruộng hoặc đem về nhà phơi cả bông với mục đích sử dụng được lâu dài.
Việc thu hoạch lúa nương đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỳ công. Những người đi hái lúa phải gom hái từng bông một, khác với việc gặt lúa nước, có thể dùng liềm khua theo chiều cong, mỗi lần khua, cắt được 15-20 bông, nhanh hơn rất nhiều”.
Hầu hết ruộng lúa nương nằm trên những đồi núi cao có độ dốc lớn, cách xa khu dân cư. Vì thế, vào vụ thu hoạch, bà con gặp nhiều khó khăn khi cắt lúa cũng như vận chuyển.
Nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển, xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Hà Nhì đen.
Đồng bào Hà Nhì ngày nay luôn coi lao động là vinh quang, qua đó thúc đẩy lao động phát triển kinh tế xã hội theo nội dung quán triệt về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
Vietnam.vn