Vào mùa mưa bão, trong lúc nhiều người ở nhà nghỉ ngơi, hạn chế ra đường thì cũng còn rất nhiều người vì miếng cơm manh áo mà lội mưa, đội gió mưu sinh. Mưa to, nước ngập khiến bước chân của những lao động nghèo càng thêm nặng trĩu và lắm gian nan.
Người phụ nữ lặn lội trong mưa, nước ngập để bán hàng.
Mưu sinh thấm nỗi nhọc nhằn
Mặc cho trời mưa hay nắng, mỗi ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng là chị Kim Như (khóm 10, Phường 1, TP. Bạc Liêu) đã đẩy chiếc xe chất đầy đậu phộng, bắp và chuối luộc ra khỏi nhà. Chị Như chia sẻ: “Nhiều lúc mưa to, gió lớn tạt rát cả mặt nhưng tôi vẫn cố gắng dầm mưa đi bán. Trời mưa, mọi người ngại ra đường, do đó mình phải chịu khó đi vào các hẻm sâu, ngõ nhỏ để phục vụ khách. Gánh hàng tuy nhỏ nhưng là thu nhập chính của 5 miệng ăn của gia đình tôi”.
Vào ngày mưa ở những góc đường, mái hiên, đập vào mắt người đi đường là hình ảnh những người hành nghề chạy xe ôm ngồi co ro, kiên nhẫn chờ đón khách, nhưng có khi ngồi cả buổi cũng không thấy bóng dáng người khách nào. Nhà ở tận xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) nhưng hơn 20 năm qua, bất kể nắng mưa, mỗi ngày từ sáng sớm, ông Nguyễn Văn Lộc đều có mặt tại góc đường Trần Huỳnh (Phường 7, TP. Bạc Liêu) với chiếc xe lôi. Khi trời mưa lớn, ông thường mặc chiếc áo mưa mỏng manh nép vào mái hiên nhà dân để chờ khách. “Nghề xe lôi giờ chủ yếu là chở hàng, có ngày kiếm được 50.000 – 100.000 đồng, nhưng cũng có ngày không chạy được một cuốc nào. Những ngày mưa to, nước ngập sâu, việc chở hàng gặp rất nhiều khó khăn vì chủ yếu dùng sức người, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng để kiếm miếng cơm manh áo”.
Trên những con đường ngập nước cùng những cơn mưa nặng hạt, đôi chân của những người mưu sinh bằng nghề bán hàng rong, vé số… vẫn đều đặn bước. Họ vất vả vì kế sinh nhai, lo cho gia đình và lo cho con cái học hành. Trong những ngày mưa như thế, họ chỉ mong trời quang mây tạnh để cuộc mưu sinh bớt nhọc nhằn.
Lao động tự do xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình) làm việc trong mưa. Ảnh: T.Q
Nỗ lực vì “nồi cơm”
Với những lao động nghèo ở vùng nông thôn, bất kể bão tố mưa dông, ngày ngày họ vẫn cặm cụi trên những dòng sông, cánh đồng, bãi biển để mưu sinh.
Hơn 20 năm qua, cứ đến 23 giờ là vợ chồng bà Cẩm Hằng (huyện Phước Long) lại rời khỏi nhà, chạy vỏ lãi dọc theo bờ sông để chài bắt cá, đến 4 giờ sáng thì trở về nhà phân loại cá rồi mang ra chợ bán. Những ngày qua, trời mưa to, gió lớn, chiếc vỏ lãi cứ chòng chành trên mặt sông, nước mưa tuôn xuống xối xả, vợ chồng bà Hằng thay phiên tát nước không ngơi tay. Vất vả là vậy nhưng vợ chồng bà không dám nghỉ ngày nào, vì chi tiêu của cả gia đình 4 người đều phụ thuộc vào nghề đánh bắt cá cho thu nhập không ổn định này.
Càng về cuối năm, mưa bão càng nhiều, triều cường dâng cao và kéo dài nhiều ngày liền khiến bước chân mưu sinh của người nghèo càng thêm nặng trĩu. Mưu sinh những ngày mưa tuy vất vả, thậm chí thu nhập ít ỏi song họ vẫn cần mẫn lao động bởi với những người lao động nghèo như họ, để có việc làm, có thu nhập trong những ngày mưa là điều may mắn. Khi có việc đều đặn họ mới góp nhặt những đồng tiền ít ỏi lo cho gia đình, nuôi các con ăn học và nhất là không để bản thân và gia đình trở thành gánh nặng cho xã hội.
Minh Luân