Đánh giá về tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng giao thông trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai cho rằng: Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh hội tụ đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường thủy và tương lai là đường hàng không. Trong thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã góp phần quan trọng trong việc triển khai các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới hoàn chỉnh, liên kết cả nước và quốc tế đã góp phần xây dựng Lào Cai trở thành cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam (Trung Quốc)…
Trục xương sống đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai
Đồng chí Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lào Cai cho rằng: Điểm nhấn đầu tiên trong hệ thống giao thông vận tải của Lào Cai là tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Từ khi đưa vào khai thác năm 2014 đến nay, tuyến đường đã tạo đà dịch chuyển và góp phần thay đổi diện mạo kinh tế-xã hội, là đòn bẩy tăng trưởng GDP cho các tỉnh khu vực Tây Bắc. Đây chính là trục xương sống để Lào Cai xây dựng các tuyến đường kết nối với các khu công nghiệp thương mại, các trung tâm du lịch của các địa phương trong tỉnh. Điển hình như công trình đường nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai đến thị xã Sa Pa nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và yêu cầu phát triển của Khu du lịch quốc gia Sa Pa với điểm nhấn là công trình cầu Móng Sến – cầu cạn có trụ cao nhất Việt Nam được hoàn thành vào tháng 9/2023 đã rút ngắn thời gian di chuyển giữa thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa; công trình Nút giao Phố Lu kết nối tỉnh lộ 152 với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, kết nối các huyện phía đông, phía tây Lào Cai và huyện Sín Mần của tỉnh Hà Giang với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai…
Về kết nối hạ tầng giao thông biên giới, Lào Cai cũng đang tập trung triển khai hai dự án quan trọng là cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam)-Bá Sái (Trung Quốc) và kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc). Việc xây dựng công trình cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) – Bá Sái (Trung Quốc) góp phần phát triển khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai trở thành trung tâm giao thương của Việt Nam và phía tây nam Trung Quốc, là cầu nối quan trọng của Lào Cai trong một vành đai kinh tế đầy triển vọng… Việc kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) để nâng cấp hạ tầng đường sắt cho tương đồng về khổ đường ray của hai nước, từ đó giúp tăng nhanh thời gian lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm chi phí vận tải đường sắt. Dự án có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam)-Vân Nam (Trung Quốc) nói riêng, là cầu nối về thông thương kinh tế, giao lưu thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc và của hai nước với các nước ASEAN, châu Âu và Trung Đông, giúp khơi thông điểm nghẽn về hạ tầng tại khu vực biên giới, tạo tiền đề mở rộng, nâng cao năng lực vận tải tuyến đường sắt Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai-Côn Minh.
Một điểm nhấn nổi bật khác là dự án Cảng hàng không Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 21/10/2021 với quy mô giai đoạn một là cảng hàng không cấp 4C và sân bay quân sự cấp II đạt công suất 1,5 triệu hành khách/năm, giai đoạn hai đạt công suất ba triệu hành khách/năm, địa điểm xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên. Tổng mức đầu tư giai đoạn một khoảng 4.183 tỷ đồng. Hiện dự án này đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn một và đang được tỉnh Lào Cai tích cực kêu gọi đầu tư…
Chung tay tháo gỡ khó khăn
Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới có điều kiện địa hình, địa chất khu vực chia cắt mạnh, đồi núi cao, vực sâu, thời tiết phức tạp, lại thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai như mưa đá, lũ quét, sạt lở đất…, cho nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cần nguồn lực rất lớn, trong khi đó điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Đời sống nhân dân ở vùng cao còn khó khăn, nguồn lực dành cho phát triển hạ tầng giao thông còn hạn chế. Thu hút đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa cũng không phải dễ…
Trong bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục có diễn biến phức tạp, lạm phát toàn cầu tăng cao, biến động giá nguyên vật liệu… đã làm cho nhiều doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn trong huy động nguồn lực, cũng như vướng mắc trong việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng; trong thẩm định giá thiết bị đưa vào công trình và chậm giải phóng mặt bằng… đã ảnh hưởng tiến độ triển khai các dự án. Các công trình kết nối qua biên giới còn phụ thuộc vào tiến độ triển khai phía Trung Quốc; các dự án đường cao tốc, đường sắt phụ thuộc vào tiến độ triển khai từ Trung ương… Thêm vào đó, các dự án giao thông còn nhiều khó khăn đặc thù. Đơn cử như Dự án Cầu Phú Thịnh nối Quốc lộ 4E với khu đô thị Vạn Hòa, thành phố Lào Cai có tổng mức đầu tư là 450 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 12/9/2022, đến nay, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành phần cầu và vòm thép, tuy nhiên, đến nay dự án đang gặp khó khăn. Trước hết là tình trạng không có đất để đắp. Đồng chí Chu Đức Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Lào Cai cho biết: Theo hồ sơ thiết kế, mỏ đất của dự án tại Km5+100 đường Võ Nguyên Giáp (bên trái tuyến) gần đầu cầu Giang Đông thuộc tổ 15, phường Nam Cường, thành phố Lào Cai. Tuy nhiên việc cấp phép khai thác mỏ đất hoặc lấy đất từ dự án khác vận chuyển về để đắp rất khó khăn, chưa có hướng dẫn cụ thể, hiện còn thiếu khoảng 25.000 m3. Mặt khác, đây là cây cầu thiết kế theo phương án kiến trúc, nhiều kết cấu mới chưa có định hình, ván khuôn đà giáo phải chế tạo mới, nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công; đặc biệt là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Cơ khí Thăng Long Đặng Trung Hiếu, đơn vị trực tiếp thi công cầu Phú Thịnh cho biết: Tại xã Vạn Hòa, các hộ dân đều đã nhận tiền bồi thường, nhận đất tái định cư và đang triển khai xây dựng nhà cửa, nhưng vị trí tái định cư hiện nay chưa hoàn thiện hệ thống điện, nước sinh hoạt, do vậy không đủ cơ sở để yêu cầu các hộ di chuyển bàn giao mặt bằng. Hay tại vị trí thuộc phường Bắc Cường, còn một số hộ chưa nghiệm thu được bản đồ địa chính do khác biệt giữa ranh giới quy hoạch và ranh giới thu hồi để thực hiện dự án, phải lấy ý kiến các hộ dân trước khi trình duyệt nghiệm thu…
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, để khắc phục những khó khăn, đồng thời phát huy lợi thế kết nối giao thông, tỉnh Lào Cai đã xác định những nhóm giải pháp cụ thể như: tích cực làm việc với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như: đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đoạn Yên Bái-Lào Cai theo quy mô bốn làn xe; đường sắt khổ lồng kết nối ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); hoàn thiện quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; cầu biên giới tại xã Bản Vược… Tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị với Trung ương hỗ trợ thu hút, kêu gọi đầu tư dự án Cảng hàng không Sa Pa… Tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu của Đề án Phát triển, nâng cao chất lượng các đô thị và giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025. Tỉnh đôn đốc các địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình nâng cấp đường đến trung tâm các xã, thôn, bản có tiềm năng phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, làng nghề truyền thống và các sản phẩm hàng hóa…; đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung phối hợp tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng tại từng dự án cụ thể để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nói riêng và gia tăng sức hút đầu tư trên địa bàn tỉnh nói chung…■
Nguồn: https://nhandan.vn/lao-cai-dau-tu-nang-cap-ket-cau-ha-tang-giao-thong-post815762.html