Xung quanh về vấn đề bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Lào Cai để hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon, phóng viên Báo TN&MT có buổi trao đổi với ông Trịnh Xuân Trường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.
PV: Như chúng ta đã biết, cây xanh đóng một vai trò rất quan trọng trong việc trung hòa các-bon. Để hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon, hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về “0” của Chính phủ, công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Lào Cai đã được triển khai thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Trịnh Xuân Trường: Thực hiện cam kết của Chính phủ và đề án, kế hoạch, hướng dẫn của Bộ TN&MT, ngày 30/5/2022, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản số 595/VPUBND-TNMT về việc cập nhật tình hình triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
UBND tỉnh Lào Cai đã rà soát lại cập nhật số liệu và trình ban hành Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp với mục tiêu Chính phủ đề ra.
UBND tỉnh Lào Cai cũng đang giao Sở TN&MT xem xét thí điểm triển khai chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon từ rừng đối với những diện tích rừng có đủ điều kiện; Phương án bán tín chỉ các-bon phù hợp với điều kiện của tỉnh, lộ trình của Việt Nam và thế giới để đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ.
Từ đặc thù của tỉnh, Lào Cai xác định, trồng cây xanh, trồng rừng và tăng độ che phủ rừng là một trong những yếu tố quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa các-bon. Do đó, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều kế hoạch trồng cây xanh, bảo vệ và phát triển rừng, như: Đề án số 01 của Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển nông lâm nghiệp sắp xếp dân cư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 – 2025; Đề án trồng một tỷ cây xanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Dự án phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2021 – 2025;… hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ che phủ rừng.
PV: Xin ông cho biết một số kết quả bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh trong mục tiêu trung hòa các-bon?
Ông Trịnh Xuân Trường: Đối với Lào Cai, theo kịch bản do các chuyên gia tính toán tại Báo cáo REDD+: Giai đoạn 2021 – 2030, Phương án giảm thải do quốc gia tự quyết định tổng lượng giảm phát thải sẽ là 1,32 triệu tấn carbon, nếu có sự hỗ trợ của quốc tế thì sẽ là 3,70 triệu tấn. Với giả định trên, Lào Cai sẽ có 3,7 triệu tấn các-bon thương mại, tương đương với 18,5 triệu USD từ bán các-bon rừng.
Là tỉnh miền núi, biên giới với diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 414.930ha (theo niên giám thống kê tỉnh Lào Cai năm 2022), thời gian qua, Lào Cai đã triển khai hiệu quả công tác rà soát, quy hoạch 3 loại rừng thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thực hiện theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến rừng, các biến động về tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp. Thiết lập quản lý và bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, vùng giáp ranh có nguy cơ xâm hại rừng cao. Đến nay, tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững của 12 chủ rừng với diện tích trên 200.000ha.
Về trồng rừng, giai đoạn 2021 – 2023, toàn tỉnh Lào Cai trồng rừng đạt 19.832,84ha, trong đó: năm 2021 thực hiện trồng được 9.579,9ha, năm 2022 trồng được 8.075,84ha, tính đến tháng 7/2023 trồng được 2.247,1ha.
Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025” trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tính đến nay đã thực hiện trồng 6.113.357 cây xanh.
Về tỷ che phủ rừng năm 2021 đạt 56,91%, năm 2022 là 57,7 và năm 3023 ước đạt 58%. Với tỷ lệ che phủ rừng như hiện nay, chúng tôi tự tin rằng Lào Cai có thể trung hòa được các-bon và giúp Việt Nam thực hiện cam kết đưa phát thải dòng bằng “0” vào năm 2050.
PV: Những khó khăn, thách thức mà Lào Cai gặp phải trong công tác bảo vệ và phát triển rừng là gì, thưa ông?
Ông Trịnh Xuân Trường: Bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế, xã hội, an ninh nguồn nước, an ninh môi trường… công tác bảo vệ và phát triển rừng của Lào Cai đang gặp một số khó khăn như: nguồn lực cho bảo vệ, phát triển rừng còn hạn chế và chưa kịp thời, ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thực hiện theo mục tiêu, kế hoạch đề ra; ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền vận động người dân trong bảo vệ phát triển rừng…
Một số quy định của pháp luật về lâm nghiệp chưa cụ thể gây khó khăn trong công tác triển khai thực hiện. Thu nhập từ nghề rừng của người dân đã được cải thiện nhưng chưa cao, người dân chưa thể sống dựa hoàn toàn vào nghề rừng, đặc biệt tại vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Vẫn còn xảy ra tình trạng chồng lấn, tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân với các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng.
PV: Để mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng hướng đến trung hòa các-bon đạt hiệu quả cao nhất, tỉnh Lào Cai có những giải pháp, kế hoạch cũng như kiến nghị, đề xuất gì thưa ông?
Ông Trịnh Xuân Trường: Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các đề án bảo vệ và phát triển rừng. Hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, đảm bảo điều kiện cho các tổ chức triển khai quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Tăng cường năng lực quản trị rừng cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng.
Phát triển sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững, tập trung quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, tăng nguồn sinh thủy, đảm bảo các mục tiêu kinh tế – xã hội và môi trường…
Bên cạnh đó, Lào Cai mong Chính phủ hoàn thiện khung khổ pháp lý trong việc thực hiện chuyển nhượng trao đổi các-bon rừng; sớm cho phép các tỉnh có diện tích rừng lớn và đủ các điều kiện lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng; hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025 để các địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện.
Đối với quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP, đề nghị xem xét điều chỉnh theo hướng mở rộng thí điểm trong nước đến hết năm 2027 tại một số địa phương có tiềm năng về chuyển nhượng, trao đổi thương mại kết quả giảm phát thải, tín chỉ các-bon…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!