Với tốc độ tăng trưởng TMĐT 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.
Chỉ thị số 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT), chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành ngày 30-5 nêu rõ, trong bối cảnh thị trường TMĐT phát triển nhanh chóng đã đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, quản lý thuế, bảo đảm nguyên tắc công bằng, quản lý rủi ro dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn…
Với tốc độ tăng trưởng TMĐT 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Theo dự báo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đến năm 2025, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD, thậm chí lên đến 57 tỷ USD, theo dự báo của Google.
Mặc dù tăng trưởng khá tích cực nhưng theo các chuyên gia, thị trường TMĐT của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều trở ngại lớn trong các vấn đề: thanh toán trực tuyến, hoàn tất đơn hàng, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực, chênh lệch khoảng cách tiếp cận TMĐT giữa các địa phương và môi trường pháp luật chưa hoàn thiện…
Đặc biệt, sự gia tăng hoạt động TMĐT qua môi trường các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… trong những năm gần đây để lại 3 nỗi lo lớn: lừa đảo và gian lận; buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; trốn thuế.
Nhằm giải quyết những vấn đề đó, với Chỉ thị 18, một trong những việc đầu tiên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính là chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Bộ Công thương, Bộ TT-TT, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ số xuyên biên giới; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ dữ liệu. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong quý 3-2023. Để quản lý hoạt động TMĐT hiệu quả, theo các chuyên gia, trước hết cần có những chế tài pháp lý rõ ràng để ràng buộc trách nhiệm của các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop…
Hiện Bộ Công an đã cấp hơn 81 triệu căn cước công dân điện tử gắn chip và khoảng 30 triệu tài khoản định danh điện tử. Nếu việc liên thông dữ liệu, quá trình xử lý đối soát diễn ra tốt, cùng việc bắt buộc phải “định danh cá nhân” khi thực hiện các giao dịch TMĐT, những vấn nạn trên sẽ hạn chế đi rất nhiều. Điều đó cũng sẽ giúp các sàn TMĐT nắm rõ “người bán – người mua” để có trách nhiệm và cách giải quyết phù hợp khi có sự cố xảy ra. Đây cũng chính là xây dựng và củng cố lòng tin người dùng khi tham gia hoạt động TMĐT.
TMĐT là xu hướng gắn liền với kinh tế số, xã hội số. Trước mắt, để hoạt động này diễn ra lành mạnh, công bằng, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt trong việc quản lý cũng như xây dựng cơ chế, lộ trình phát triển thị trường TMĐT Việt Nam.
Cùng đó, kết nối liên thông, quản lý và phân tích dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, cắt giảm các thủ tục hành chính, minh bạch trong vận hành… Đó là những yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan chức năng hiện nay để TMĐT phát triển lành mạnh, thực sự là trụ cột của nền kinh tế số trong thời gian tới.