Mới đây, đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM làm Trưởng đoàn, đã đến thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.
Đây là chuyến thăm nhân sĩ trí thức đầu tiên của đồng chí Nguyễn Phước Lộc khi đảm nhận thêm nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Thay mặt lãnh đạo TPHCM, đồng chí Nguyễn Phước Lộc ân cần thăm hỏi sức khỏe, bày tỏ tri ân trước những đóng góp cho xã hội và đất nước của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, nhất là có những công trình nghiên cứu, tài liệu sưu tầm trong lĩnh vực lịch sử, địa lý đầy quý giá.
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc bày tỏ mong muốn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tiếp tục có những đóng góp, hiến kế và góp sức cho sự phát triển của thành phố. Đồng thời, mong nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cố gắng giữ sức khỏe và luôn vui vẻ trong cuộc sống.
Đáp lại, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu bày tỏ xúc động và gửi lời cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo TPHCM.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1920, tại Hà Nội. Ông từng tham gia cách mạng với vị trí Bí thư Bộ Kinh tế vào tháng 9-1945. Sau năm 1975, ông về sinh sống ở TPHCM với công việc giảng dạy và nghiên cứu lịch sử, địa lý. Ông là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu và sách rất nổi tiếng về địa bạ và bản đồ.
Suốt cuộc đời, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu dành thời gian nghiên cứu về địa lý, lịch sử vùng Nam bộ, Nam Trung bộ. Ông là người có bộ sưu tập bản đồ lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, ông quan tâm đến chủ quyền biển đảo và có bộ sưu tập bản đồ quý giá với hơn 3.000 bản đồ cổ, trong đó có nhiều tấm bản đồ thể hiện rất rõ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam.
Năm 2005, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu được trao Giải thưởng Trần Văn Giàu, với công trình Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn và là người đầu tiên nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu khoa học vào năm 2009.
Năm 2020, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu ra mắt sách Tạp ghi Việt Sử Địa tập 3, nối tiếp tập 1 và tập 2 đã được phát hành trước đó.
Đây là quyển sách được ông dày công ghi chép trong nhiều năm liền, giúp bạn đọc có thêm nhiều tư liệu quý giá liên quan đến địa lý và lịch sử dân tộc. Một trong những điểm nhấn đặc sắc trong tác phẩm là những bài viết, phân tích rất khoa học về chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
VĂN MINH
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/lanh-dao-tphcm-tham-nha-nghien-cuu-nguyen-dinh-dau-post751135.html